Thủ tướng yêu cầu có giải pháp căn cơ để ổn định ngành chăn nuôi

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã họp bàn và yêu cầu các bộ ngành có giải pháp căn cơ để ổn định ngành chăn nuôi.
Thủ tướng yêu cầu có giải pháp căn cơ để ổn định ngành chăn nuôi ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 4/5, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã họp bàn và yêu cầu các bộ ngành có giải pháp căn cơ để ổn định ngành chăn nuôi.

Theo Bộ trưởng, nghịch lý giá thịt lợn liên tục xuống thấp trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người chăn nuôi và đây cũng là một tồn tại trong việc kiểm soát thị trường.

Do vậy, để ổn định cuộc sống người chăn nuôi, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành chức năng có giải pháp để hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến và quan trọng hơn là điều chỉnh cơ cấu ngành chăn nuôi đồng thời không được để xảy ra những trường hợp tương tự.

Thông tin thêm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này ​sẽ tập trung giải quyết tốt quan hệ cung-cầu đồng thời rà soát để đảm bảo tổng đàn và qui mô đàn có cơ cấu hợp lý, nâng cao An toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức liên kết theo chuỗi.

​Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu...

"Bộ Nông nghiệp sẽ cố gắng ​để đưa lại cân bằng cung-cầu trong vòng 2-3 tháng nữa," đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.

Trước đó, giá thịt lợn hơi liên tục xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 34.000-35.000 đồng/kg, thậm chí xuống còn 15.000 đồng/kg, trong khi giá tại các siêu thị vẫn ở mức rất cao, có nơi lên đến 80.000-100.000 đồng/kg.

Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp khẩn để kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội cùng đồng hành, hỗ trợ “cứu” người chăn nuôi.

Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sau đó cũng đã cam kết thực hiện giảm giá nguyên liệu để “cứu” người chăn nuôi, một số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cũng cam kết “tăng giá thu mua lợn cho bà con, giảm giá thịt cho người tiêu dùng với hình thức mua đắt-bán rẻ để hỗ trợ người nông dân.”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng tạm nhập, tái xuất thịt lợn. Đồng thời, lãnh đạo bộ này đề nghị các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi lợn nái, tiến tới giảm lượng lợn thương phẩm bởi đã xuất hiện tình trạng vượt quy hoạch ngành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục