Thủ tướng gặp mặt 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ luôn luôn mong muốn các nhà khoa học trẻ bằng nhiệt huyết và niềm đam mê, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu 2015 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các đại biểu. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Sáng 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu có nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật hoặc có những sản phẩm khoa học được ứng dụng trong thực tiễn, những công bố quốc tế có giá trị hoặc đã có nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ, công nhận.

Đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi gặp mặt của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đang trong quá trình đổi mới, còn những tồn tại bất cập, nhưng các nhà khoa học trẻ đã thể hiện được nhiệt huyết và sức mạnh của tuổi trẻ, nỗ lực vươn lên, say mê nghiên cứu sáng tạo để có được những sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị.

Nhiều nhà khoa học trẻ được giao chủ trì những công trình khoa học lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị với hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội.

Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đã đoạt giải thưởng khoa học và công nghệ danh giá ở nước ngoài, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận những người làm khoa học công nghệ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ còn gặp nhiều khó khăn, phương tiện, thiết bị nghiên cứu lạc hậu, kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, chế độ tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học...

Tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học trẻ báo cáo với Thủ tướng những kết quả nghiên cứu đã triển khai, ứng dụng vào thực tế có hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển, để giới trẻ có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước và nền khoa học.

Tiến sỹ Phạm Văn Phúc - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến việc đào tạo các nhà khoa học đang “có vấn đề,” chính sách về tài chính cho khoa học công nghệ chưa được tháo gỡ hoàn toàn, ngày càng có nhiều quy định ràng buộc các nhà khoa học.

Các đại biểu cho rằng đầu tư cho khoa học là đầu tư cho sự phát triển bền vững; Đảng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tham gia đào tạo chuyên môn sâu, tạo diễn đàn để các nhà khoa học trẻ trao đổi chuyên sâu với các nhà khoa học trên thế giới. Một thực tế được nêu ra là chính sự thiếu tin tưởng của các nhà quản lý đã làm cho các nhà khoa học nói chung, nhà khoa học trẻ nói riêng chán nản, rời khỏi các cơ sở nghiên cứu hoặc đi ra nước ngoài, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.

Các nhà khoa học trẻ đều có chung mong mỏi là các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách tin tưởng hơn vào thế hệ trẻ, giao nhiệm vụ và đầu tư cho thế hệ trẻ có đủ trí, đức, tài, để các nhà khoa học trẻ phát huy cao nhất khả năng của mình. Liên quan đến khoa học công nghệ phải chọn đúng đối tượng, nhà khoa học phải lấy hiệu quả nghiên cứu làm hàng đầu, khoa học là cơ hội vàng để đất nước phát triển nhanh mạnh, tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định. Các ý kiến cho rằng: Đảng, Nhà nước cần có cơ chế cho vay vốn không cần thế chấp để đưa các công trình khoa học vào cuộc sống, hỗ trợ khởi nghiệp. Nếu thất bại, có thể khoanh nợ để các nhà khoa học có thể trả nợ trong 10-20 năm.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ về thực trạng doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm, trong đó có hai vấn đề rất cơ bản là làm sao để nhanh chóng nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ của quốc gia và tạo đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam một cách rầm rộ, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp nước ngoài.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong suốt bề dày lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn trân trọng và khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.”

Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, phát triển, trọng dụng và tôn vinh đội ngũ trí thức.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là đội ngũ các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các nhà khoa học trẻ Việt Nam về những nỗ lực, phấn đấu và thành tích đã đạt được; nhấn mạnh Chính phủ luôn luôn mong muốn các nhà khoa học trẻ bằng nhiệt huyết, tài năng và niềm đam mê của mình, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Đây là những tấm gương sáng về tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp đã tích cực ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời cho các nhà khoa học trẻ theo đuổi đam mê nghiên cứu sáng tạo của mình.

Nhấn mạnh để Việt Nam sớm ra khỏi nước đang phát triển có thu nhập trung bình và xây dựng nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược, Thủ tướng nêu rõ đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của quốc gia, nền kinh tế và doanh nghiệp.

Để tiếp tục phát huy có hiệu quả tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học trẻ và ươm mầm, nuôi dưỡng, lan tỏa niềm say mê khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp cần quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, có cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi cho đội ngũ các nhà khoa học nhất là các nhà khoa học trẻ. Theo đó, tập trung rà soát, hoàn thiện, triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ gắn liền với chính sách đào tạo các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành từ các nhà khoa học trẻ; khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích các nhà khoa học tự bày tỏ chính kiến, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Khẳng định tương lai của nền khoa học công nghệ nước nhà thuộc về các nhà khoa học trẻ hôm nay, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khuyến khích mạnh mẽ và hỗ trợ hiệu quả các nhà khoa học trẻ thực hiện các hoạt động ươm tạo công nghệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa nhanh lĩnh vực khoa học công nghệ tiềm năng, thế mạnh trở thành sản phẩm mũi nhọn quốc gia, cạnh tranh trong thị trường trong nước và quốc tế; có hình thức khen thưởng, tôn vinh xứng đáng, kịp thời đối với các nhà khoa học trẻ đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ; chú trọng bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về nghiên cứu sáng tạo của tuổi trẻ.

Lắng nghe những chia sẻ của tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh về quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm kính mắt thần cho người mù - sản phẩm đoạt giải Nhân văn trong cuộc thi Robocon Techshow năm 2012, tìm hiểu về thiết bị "mắt thần," dự án phi lợi nhuận sản xuất kính mắt thần cho người mù, cũng như những khó khăn khi thành lập doanh nghiệp với mục tiêu phi lợi nhuận phục vụ người khiếm thị, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh hỗ trợ nhà khoa học trẻ này lập dự án, bắt tay ngay vào sản xuất kính để tặng cho người mù là các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn của cả nước trong vòng một năm tới.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho dự án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục