Thỏa thuận khung COC là bước tiến giảm căng thẳng ở Biển Đông

Chuyên gia nhận định thỏa thuận khung đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đánh dấu một bước tiến đáng kể hướng tới giảm căng thẳng tại tuyến hàng hải chiến lược này.
Thỏa thuận khung COC là bước tiến giảm căng thẳng ở Biển Đông ảnh 1Quang cảnh buổi họp các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc liên quan tới việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) . (Nguồn: Xinhua)

Hãng AP ngày 19/5 dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định thỏa thuận khung đạt được giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đánh dấu một bước tiến đáng kể hướng tới giảm căng thẳng tại tuyến hàng hải chiến lược này.

Các chuyên gia phân tích nhận định, mặc dù thông tin chi tiết về thỏa thuận đạt được hôm 18/5 không được công bố, song đây là dấu hiệu rõ ràng về tiến triển hướng tới đạt được COC cuối cùng mà các bên theo đuổi suốt 15 năm qua.

Cho đến gần đây, tiến triển đạt được COC vẫn diễn ra chậm chạp trong bối cảnh các tranh chấp tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ này.

Chuyên gia về khu vực tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ông Huang Jing cho rằng đối với Trung Quốc, COC là một phương tiện để đạt được mục tiêu không cho Mỹ và các đồng minh can thiệp vào vấn đề Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải và duy trì ổn định khu vực.

[Cuộc họp Các Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc về triển khai DOC]

Theo ông, COC phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc trong việc kiểm soát hơn là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trong khi Bắc Kinh vẫn chắc chắn rằng họ cuối cùng sẽ đạt được các thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán song phương.

Trong khi đó, ông Huang nhận định rằng đối với 10 nước thành viên ASEAN, COC tạo cơ hội ngăn cản các bước tiến hơn nữa của Trung Quốc ở khu vực giữa lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển trọng tâm xa rời khu vực này thông qua việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các động thái khác.

Theo ông Huang, nhiều khả năng thỏa thuận khung về COC bao gồm các điều khoản cấm sử dụng vũ lực hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng, như hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã thực hiện và được trang bị các đường băng và cơ sở quân sự.

Ngược lại với quan điểm của ông Huang, chuyên gia cấp cao Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, lại miêu tả thỏa thuận khung nêu trên là một bước tiến nhỏ, trên cơ sở một dự thảo COC đã đạt được hồi tháng 3.

Ông cho rằng dự thảo đó không kêu gọi đạt được một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý mà một số quốc gia ASEAN mong muốn, ngầm giảm bớt tác động của bộ quy tắc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục