Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu viện trợ hàng hóa cho Qatar bằng đường biển

Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci thông báo chuyến tàu biển đầu tiên chở hàng viện trợ của nước này cho Qatar đã lên đường ngày 21/6.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu viện trợ hàng hóa cho Qatar bằng đường biển ảnh 1Một góc thủ đô Doha của Qatar. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci thông báo chuyến tàu biển đầu tiên chở hàng viện trợ của nước này cho Qatar đã lên đường ngày 21/6. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh Qatar tiếp tục bị các nước trong khu vực phong tỏa cả về ngoại giao và kinh tế.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Anadolu cùng ngày, ông Zeybekci tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Qatar với mong muốn cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh sớm được giải quyết.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Zeybekci, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện 105 chuyến bay vận tải chở hàng viện trợ cho Qatar kể từ khi quốc gia Arab này bị phong tỏa.

Tuy nhiên, ông Zeybekci cho rằng việc vận chuyển hàng hóa bằng đường không như vậy gây tốn kém nên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục triển khai viện trợ cho Qatar bằng đường biển và mở thêm các tuyến vận tải đường bộ.


[Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sỹ tới Qatar tham gia cuộc tập trận quân sự]

Trong ngày 21/6, 3 xe tải chở rau quả của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất phát từ thủ đô Ankara để lên đường tới Qatar. Theo kế hoạch, 5 xe tải khác cũng sẽ xuất phát từ khu vực Hatay sau khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo kết thúc.

Qatar nhập khẩu tới 90% nhu cầu lương thực. Hiện cửa khẩu đất liền duy nhất của nước này với Saudi Arabia đã bị đóng, làm tê liệt vận chuyển hàng hóa, nhất là tới 40% nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu cần thiết cho các dự án hạ tầng trị giá khoảng 200 tỷ USD liên quan đến vòng chung kết World Cup 2022.

Theo nhà chức trách Qatar, nước này có đủ lương thực trong vòng 1 năm, nhưng sự phụ thuộc vào hàng không và đường biển sẽ làm tăng chi phí và lạm phát. Giới phân tích nhận định việc các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và một vài quốc gia khác phong tỏa Qatar cả về ngoại giao và kinh tế có thể sẽ gây những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Qatar nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tiếp tục kéo dài.

Do phụ thuộc chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là thực phẩm, Qatar chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể như giá hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng khách du lịch từ khu vực tới nước này giảm sút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục