Từ năm nay, một số Hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, do vậy nếu người nông dân và ngay cả doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản không đủ sức cạnh tranh thì sẽ có nguy cơ bị đẩy lùi năng lực làm chủ ngay trên sân nhà.
Các chuyên gia kinh tế nhận định như vậy tại diễn đàn “Đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp và trang trại” do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/6.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay người nông dân đang phải đối mặt trực tiếp với thị trường.
Các thương nhân nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, có thể gặp trực tiếp nông dân để đặt vấn đề trồng loại nông sản nào đó, đảm bảo tiêu thụ với giá thành phẩm khá cao và mang về nước mà không có bất kỳ rào cản nào từ phía cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi người nông dân sản xuất đại trà thì chính những thương lái này sẽ ép giá sản phẩm, khiến người nông dân bị thua lỗ, thiệt hại đáng kể.
Tình huống này trên thực tế đã và đang xảy ra đối với rất nhiều loại nông sản hiện nay ở Việt Nam. Đơn cử như sản phẩm khoai lang, nếu như năm 2014, người nông dân có thể bán sản phẩm với giá trung bình từ 15.000-16.000 đồng/kg, thì trong năm nay, giá chỉ còn ở mức 6.000-7.000 đồng/kg và vẫn khá ít người thu mua.
Mặc dù đã có nhiều bài học nhãn tiền, song vì lợi nhuận cũng như thiếu thông tin về thị trường, người nông dân vẫn thường xuyên rơi vào “cạm bẫy” này. Còn các ngành chức năng thì thường xuyên phải chạy sau giải quyết tình trạng trên.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản, hiện nay các doanh nghiệp trong nước hầu hết chỉ mua được phần nông sản mà các thương lái nước ngoài không mua hoặc sẽ là người giải quyết “hậu quả.”
Như trường hợp lúa gạo, một số nơi có tình trạng thương lái chào giá mua lúa giá cao hơn từ 50-100 đồng/kg lúa, nhưng chỉ mua số lượng nhỏ, chất lượng lúa tốt, nông dân vì lợi trước mắt nên bán ra ngoài.
Các thương lái nước ngoài mua nông sản tại Việt Nam hiện nay không chịu bất kỳ quy định, rào cản nào, còn các doanh nghiệp trong nước thu mua để bán ra hoặc chế biến sản phẩm thì phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng cần có sự phân cấp trung gian trong quản lý. Cụ thể, người nông dân chỉ cần lo sản xuất ra nông sản, nhà phân phối phải lo thị trường tiêu thụ và phải có hàng rào đối với các thương nhân quốc tế. Hàng rào này phải là thuế quan, quy định phi thuế quan và Luật bảo hộ của Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế thông qua việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Những điều này sẽ giúp cho ngành nông nghiệp có các rào cản chống thương nhân quốc tế thâm nhập vào sản xuất nông nghiệp, vừa linh hoạt tiếp cận với thị trường bên ngoài.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, do tập quán sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ nên giá thành cao, vì vậy cần thiết phải tổ chức lại sản xuất. Điển hình như mô hình cánh đồng lớn trong ngành lúa gạo đã và đang mang lại hiệu quả cho nông dân lẫn doanh nghiệp.
Một số ý kiến cũng cho rằng trong mối liên kết giữa các nhà gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học… cần thiết phải có một nhạc trưởng cho mối liên kết này để định hướng cũng như thắt chặt sự liên kết, trong đó, mối quan hệ giữa nhà nông và doanh nghiệp phải đóng vai trò cốt lõi, các bên còn lại hỗ trợ phục vụ cho liên kết cốt lõi này.
Mặt khác, để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, cũng ý kiến cho rằng cần thiết xây dựng sàn giao dịch chung cho các loại hàng hóa nông sản của Việt Nam, hoạt động của sàn giao dịch này sẽ tương tự như sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch càphê hiện nay.
Điều này không chỉ hỗ trợ giao dịch trong nước mà cả quốc tế tham gia vào để đảm bảo thị trường ổn định, thống nhất giá cả, tránh tình trạng ép giá nông sản như hiện nay./.