Trưởng công tố Brazil Rodrigo Janot đã cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Michel Temer cản trở luật pháp và đứng đầu một nhóm quan chức nhận hối lộ, trong bối cảnh bê bối tham nhũng tại quốc gia Nam Mỹ này diễn biến phức tạp chưa từng có.
Trong tuyên bố ngày 14/9, Văn phòng Trưởng công tố Janot cáo buộc ông Temer hoạt động với vai trò "cầm đầu" một nhóm gồm các quan chức cấp cao trong đảng trung hữu Phong trào dân chủ Brazil (PMDB), theo đó nhóm này đã nhận các khoản tiền "lại quả" lên tới 190 triệu USD cho những hợp đồng đấu thầu tại các công ty nhà nước, chẳng hạn như Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.
Theo cáo buộc, nhóm này bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2016, trùng với thời điểm ông Temer nhậm chức Tổng thống, thay thế người tiền nhiệm Dilma Rousseff bị phế truất do cáo buộc tham nhũng.
Cũng theo thông báo từ Văn phòng Trưởng công tố Janot, Tổng thống Temer còn bị cáo buộc cản trở luật pháp bằng việc tìm cách đưa hối lộ để doanh nhân Lucio Funaro - người bị cáo buộc làm môi giới trung gian trong vụ hối lộ trên, không ra làm chứng chống lại ông Temer theo lệnh triệu tập của cơ quan công tố.
Tuy nhiên, Tổng thống Temer đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho đó là "vô lý," đồng thời cho rằng Trưởng công tố Janot đang hành xử một cách "vô trách nhiệm" để che giấu những sai sót cá nhân.
[Thẩm phán tòa án tối cao Brazil ra lệnh điều tra Tổng thống Temer]
Theo luật pháp Brazil, trước khi được đưa ra xem xét tại Hạ viện, các cáo buộc trên phải được Tòa án tối cao nước này chấp thuận. Nếu Hạ viện bỏ phiếu cho phép tiến hành xét xử tổng thống, ông Temer sẽ tạm thời bị đình chỉ chức vụ trong vòng 180 ngày cho tới khi có kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông Temer hiện nhận được đủ sự ủng hộ cao trong Quốc hội Brazil để có thể tránh phải ra hầu tòa, cũng như để có thể kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm 2018.
Vụ bê bối tham nhũng kéo dài suốt ba năm qua tại Petrobras được biết đến với tên gọi "Car Wash," trong đó các nhà điều tra phát hiện các công ty lớn đã đưa hối lộ có hệ thống lên tới 4 tỷ USD cho nhiều chính trị gia và quan chức lãnh đạo của tập đoàn này.
Hiện cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cũng bị buộc tội tham nhũng và sẽ phải đối mặt với năm phiên xét xử khác. Ngoài ra, cảnh sát cũng đang điều tra khoảng 1/3 thành viên trong nội các Brazil.
Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Brazil và đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố.
Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng nhóm, trong đó có hàng chục lãnh đạo các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Hôm 14/9, cảnh sát cũng đã lục soát nhà riêng của Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi với cáo buộc cản trở luật pháp. Hoạt động này được tiến hành một ngày sau khi nhà chức trách bắt giữ Wesley Batista, Giám đốc điều hành của Tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới JBS./.