Thăm Lidice, ngôi làng xinh đẹp với ký ức đau thương của Séc

Lidice thuộc huyện Kladno, tỉnh Trung Séc, vốn là một ngôi làng yên bình nằm trên quả đồi cao với phong cảnh rất đẹp, nên thơ, nhưng lại có một lịch sử cực kỳ đau thương.
Thăm Lidice, ngôi làng xinh đẹp với ký ức đau thương của Séc ảnh 1Bé Tina đặt cành hoa trắng trước cụm tượng trẻ em. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Ngày 8/5 ở Cộng hòa Séc là ngày lễ quốc gia, được gọi là Ngày Chiến thắng hay còn gọi là Ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Trong cuộc chiến kéo dài từ năm 1939 đến 1945 có 360.000 người dân Tiệp Khắc bị thiệt mạng trong tổng số 60 triệu nạn nhân trên khắp thế giới.

Một trong những ký ức đau thương nhất đối với người dân Séc là việc ngôi làng Lidice bị phátxít Đức hủy diệt và nạn nhân bao gồm đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ em.

Lidice thuộc huyện Kladno, tỉnh Trung Séc, vốn là một ngôi làng yên bình nằm trên quả đồi cao với phong cảnh rất đẹp, nên thơ. Và hiện tại chúng ta vẫn được chứng kiến vẻ đẹp đó với bãi cỏ xanh mướt, những hàng cây tươi tốt.

Thăm Lidice, ngôi làng xinh đẹp với ký ức đau thương của Séc ảnh 2Cụm tượng 82 trẻ em Lidice bị phát xít đầu độc bằng khí gas. (nguồn: Trần Quang Vinh). (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Làng Lidice bây giờ là khu tưởng niệm nạn nhân chiến tranh với nhà bảo tàng, tượng đài, cụm tượng và các chứng tích gây xúc động mạnh cho những người đến thăm.

Ngôi làng Lidice có một lịch sử cực kỳ bi thương. Đêm 10/6/1942 ngôi làng Lidice yên bình bị phátxít Đức bao vây. Lý do là một gia đình trong làng bị tình nghi có dính dáng đến vụ sát hại viên tướng toàn quyền phátxít Đức tại Séc là Reinhard Heydrich.

Ngôi làng bị san phẳng, nhà thờ, nghĩa trang cũng không còn dấu vết. Tất cả 175 nam giới từ 15 tuổi trở lên bị bắn ngay tại rìa làng. Tất cả 203 phụ nữ bị đưa vào tại tập trung ở Đức và nhiều người đã chết tại đó.

Tất cả 105 trẻ em, bé nhất là 1 tuổi, lớn nhất là các em gái 16 tuổi, bị gom lại, tách khỏi mẹ. Chỉ có 23 em được chọn lựa để “cải tạo” trong các gia đình phát xít. Số còn lại - 82 em, bị đưa vào trại tập trung ở Ba Lan và sau đó bị đầu độc bằng hơi ngạt.

Thăm Lidice, ngôi làng xinh đẹp với ký ức đau thương của Séc ảnh 3Khu vườn hòa bình ở làng Lidice. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Sau chiến tranh, vào năm 1948 làng Lidice được xây dựng lại. Tại nơi từng là ngôi mộ tập thể của dân làng một tượng đài và nhà bảo tàng được dựng lên. Còn vào năm 1955 Khu vườn hòa bình được tạo ra tại đây, trồng toàn hoa hồng được gửi đến từ 32 quốc gia trên thế giới.

Nhà nữ điêu khắc Séc Marie Uchytilová vào năm 1969 đưa ra ý tưởng dựng tượng 40 trẻ em nam và 42 trẻ em gái của làng Lidice bị đầu độc ở Ba Lan.

Tâm nguyện của bà là “đưa các em trở về đất mẹ” và biến cụm tượng đài trẻ em Lidice thành đài tượng niệm trẻ em là nạn nhân chiến tranh nói chung trên thế giới.

Các bức tượng ban đầu chỉ được làm bằng thạch cao vì không có kinh phí. Cho đến năm 1989 chỉ có 3 bức tượng trẻ em được đúc đồng.

Đến mùa Xuân 1995 có tất cả 30 em bé Lidice “được trở về nhà.” Và vào năm 2000 tất cả 82 em đã quy tụ ở sườn đồi nhìn xuống thung lũng.

Các em bé Lidice được thể hiện trong trạng thái căng thẳng chờ đợi điều tồi tệ đang đến gần. Có em thì thầm vào tai bạn, có em quay mặt đi, những em nhỏ nấp sau anh, chị…

Cụm tượng đài trẻ em trở thành tâm điểm của Khu di tích chiến tranh Lidice. Người Séc thường đưa trẻ em đến đây để giáo dục lịch sử, muốn cho con cháu cảm nhận được giá trị đầy đủ của cuộc sống hòa bình.

Gia đình chị Vera Dinh cũng nằm trong số đó. Chị Vera tâm sự với phóng viên TTXVN: “Nhân Ngày Kết thúc chiến tranh Thế giới hai tôi đưa các con đến đây thăm khu tưởng niệm Lidice, nơi ngôi làng bị hủy diệt trong chiến tranh. Chúng tôi muốn được trực tiếp đến viếng cụm tượng trẻ em để tưởng nhớ những em bé bị tàn sát trong chiến tranh.”

Bé Tina Dinh mới 6 tuổi, còn quá bé để hiểu chiến tranh là gì, vì sao có chiến tranh. Nhưng bé cũng cảm nhận được nỗi đau đớn của những em bé cùng lứa tuổi được thể hiện qua các bức tượng sống động.

Còn bé Filip Dinh, 13 tuổi, đã được cô giáo môn lịch sử dạy về cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Em đến thăm Khu di tích chiến tranh như dự một buổi ngoại khóa bổ ích về lịch sử đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục