Tàu cá vỏ thép liên tiếp bị hỏng: Là do lỗi của các ngư dân?

Theo lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, tàu hỏng là do lỗi của ngư dân. Công ty sẵn sàng nhận lại các con tàu mà ngư dân trả lại và bán cho đối tác khác.
Tàu cá vỏ thép liên tiếp bị hỏng: Là do lỗi của các ngư dân? ảnh 1Tàu cá lưới vây vỏ thép Sang Fish 01 được bàn giao cho ngư dân tỉnh Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Liên quan đến việc ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi trả lại tàu cá vỏ thép do liên tiếp hư hỏng đã khiến nhiều người bất ngờ đồng thời cũng đặt nghi vấn về thiết kế, chất lượng đóng tàu kém, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) - đơn vị được giao đóng mới các tàu vỏ thép cho ngư dân cho biết, tàu hỏng là do lỗi của ngư dân.

“Công ty sẵn sàng nhận lại các con tàu mà ngư dân trả lại và bán cho đối tác khác. Thậm chí, nếu 10 ngư dân đã mua tàu cùng trả lại thì chúng tôi cũng nhận vì đã có đối tác hỏi mua,” ông Sự khẳng định.

Vì sao ngư dân trả tàu?

Đã hơn sáu tháng nay, con tàu Sang Fish 01 của anh Lê Văng Sang phải nằm bất động tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vì hư hỏng. Theo chủ tàu, đi 10 chuyến thì hư hỏng đến 6 lần. Lần đầu tiên vươn khơi, tàu đã bị hỏng tời, phải về bờ sửa chữa với chi phí gần 500 triệu đồng. Làm ăn không có lãi, không có tiền trả cho nhà máy lại phải thêm chi phí sửa chữa nên đành phải trả lại cho phía nhà sản xuất.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, từ tháng 5/2015, ông Mai Thành Văn ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - chủ tàu cá Hoàng Anh 01 (tàu cá vỏ thép đầu tiên trong cả nước được hạ thủy) cũng đã quyết định trả lại tàu cho đơn vị đóng tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Nha Trang vì 5 lần ra khơi có 3 lần hỏng hóc.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Nguyễn Ngọc Sự cho rằng, Sang Fish 01 là một trong 10 mẫu tàu cá vỏ thép đầu tiên của Công ty đóng tàu Nha Trang sản xuất trước khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân vay vốn, vươn khơi bám biển của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ có tàu Sang Fish 01 gặp sự cố còn các tàu khác vẫn hoạt động bình thường.

Lý giải nguyên nhân con tàu này hỏng hóc, ông Sự cho biết, tàu thường xuyên hỏng là do ngư dân vẫn quen với việc vận hành tàu vỏ gỗ. Thiết kế của công ty là sử dụng máy mới nhưng ngư dân lại yêu cầu đưa máy cũ và tời kéo vào lắp ráp nên trong quá trình vận hành mới xảy ra hỏng hóc.

Bổ sung thêm, theo vị Chủ tịch SBIC này, thiết kế máy mới và tời của tàu đều tuân theo theo tiêu chuẩn nhưng ngư dân yêu cầu tiết kiệm chi phí nên đã mua máy cũ vì tất cả tàu gỗ đóng đều mua máy cũ và tời của họ tự chế tạo. Tuy nhiên, ngư dân quen với hoạt động tàu gỗ nên đã lấy trục tời của xe tải 5 tấn lắp vào tàu và kéo lưới. Nếu ở tàu gỗ, lưới dài 500m, kéo ở độ sâu 500m thì bình thường, nhưng tàu sắt khỏe hơn, với tời như thế mà kéo lưới 1.000m và độ sâu tương ứng sẽ không kéo được dẫn đến quá tải, hỏng tời.

“Có trường hợp tàu hỏng, SBIC thay tời thủy lực vào thì dùng vô tư vì khi kéo căng quá tời sẽ tự nhả nhưng tời trục sau xe tải cứ kéo thì không dừng được, khi quá tải thì đứt. Bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy, động cơ máy bị nứt trục bên trong, khi chạy thì trục trặc, kiểm định có vết nứt từ trước,” ông Sự giải thích.

Tàu cá vỏ thép liên tiếp bị hỏng: Là do lỗi của các ngư dân? ảnh 2Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01 cũng đã được ngư dân trả lại vì 5 lần ra khơi có 3 lần hỏng hóc. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Đặt câu hỏi đến việc SBIC có cho ngư dân tham gia thiết kế tàu vỏ thép, ông Sự thừa nhận, trong quá trong đóng tàu, do thói quen khai thác của ngư dân ở từng vùng miền, địa phương và cả sở thích của từng chủ tàu khác nhau nên khi đóng các tàu vỏ thép sau này, công ty đều tính toán để điều chỉnh, thực hiện theo yêu cầu thiết kế của từng chủ tàu, như vị trí lắp đặt trang thiết bị, máy móc, thiết bị khai thác trên tàu... Những thay đổi này không tác động lớn đến thiết kế nên chỉnh sửa dễ dàng. Nếu thay đổi quá nhiều, sẽ bắt buộc phải có đơn vị tư vấn thiết kế thông qua.

Ngoài ra, trung bình mỗi tàu có giá từ 7-11 tỷ đồng, được Công ty đóng tàu Nha Trang cho ngư dân mua trả góp trong thời hạn 5-7 năm, mức lãi suất 3%/năm. Thế nhưng, đến kỳ hạn theo hợp đồng trả góp vốn, ngư dân không muốn hoặc không có tiền trả. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến ngư dân muốn trả lại tàu.

SBIC không hứng thú với tàu cá vỏ thép!

Đề cập đến thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), toàn bộ số tàu cá mà ngư dân trả lại đều không thuộc chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ; các tàu này sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đã xuống cấp rất nhanh, ông Sự cho rằng, trước khi có Nghị định 67, SBIC đã đóng 10 tàu cá vỏ thép để bán hoặc cho thuê.

Theo ông Sự, khi Nghị định 67 ra đời (tháng 10/2014), SBIC đề nghị số tàu này thuộc diện 21 tàu mẫu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt về thiết kế và được đồng ý. Ngoài ra, Tổng công ty cũng nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đưa 10 tàu này vào diện được hưởng chính sách tại Nghị định 67 nhưng không được chấp thuận do mục đích và điều kiện vay vốn không phù hợp. Sau đó, SBIC đã bán trả góp cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

“SBIC muốn tạo điều kiện giúp ngư dân vay tiền ngân hàng lãi suất thấp hơn để trả SBIC nhằm thu hồi vốn nhanh nhưng không được đồng ý. Nếu được đưa vào thì chưa chắc ngư dân đã trả. Các tàu khác không trả vẫn đang hoạt động tốt,” ông Sự phân trần.

Đưa ra biện pháp giải quyết ngư dân trả lại tàu, vị Chủ tịch SBIC do tại thời điểm ký hợp đồng, Công ty đóng tàu Nha Trang không đưa ra điều khoản quy định chặt chẽ nên Công ty sẽ nhận lại các con tàu bị trả về.

Đặt câu hỏi có lo ngại “dư âm” ngư dân trả tàu, ông Sự khẳng định, về logic vấn đề là có nhưng không ai trả cả vì các tàu vẫn đang khai thác tốt. Tổng công ty sẵn sàng nhận lại các con tàu mà ngư dân trả lại và bán cho đối tác khác. Thậm chí, nếu 10 ngư dân đã mua tàu cùng trả lại thì chúng tôi cũng nhận vì đã có đối tác hỏi mua. Các tàu được bán lại cho đối tác nếu giống với điều kiện ngư dân được diện hỗ trợ thì họ mua ngay với mức giá thậm chí cao hơn đôi chút trong khi điều kiện thanh toán nhanh hơn.

Tiết lộ SBIC đang đóng hàng trăm chiếc tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 nhưng ông Sự cũng bày tỏ quan điểm, hầu hết nhà máy của đơn vị đều nhận đóng, tuy vậy đóng tàu bé này “không ăn thua” do nhà máy thiết kế đóng tàu lớn. Nghị định 67 ra đời, SBIC phải đóng và trong thời điểm khó khăn thì giải quyết công việc cho người lao động thời gian vừa qua.

“Nhiều lần ngư dân đề nghị hỗ trợ tàu này theo Nghị định 67. SBIC đã gửi văn bản nhưng không được vì việc vay vốn của ngân hàng không dễ, bắt thế chấp, thuế giá trị gia tăng thiết bị nhập vào 10% và không hoàn thuế đồng nghĩa với việc giá thành tàu đội lên 10%. Để đóng tàu này, Tổng công ty phải làm đặt cọc, bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Một tàu cá bảo lãnh 10%, 100 tàu tốn 100 tỷ trong khi SBIC làm gì có tiền đầu tư, bản thân đơn vị thực sự không hứng thú lắm với tàu cá vỏ thép này,” ông Sự chua chát nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục