Tăng tự chủ về kinh tế từ đẩy mạnh sản xuất trong nước

Đề nền kinh tế không bị tác động bởi tình hình Biển Đông, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế để không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào.

Trao đổi về các giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt trước những diễn biến trên Biển Đông hiện nay, bên lề Quốc hội, các đại biểu đều cho rằng cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế để không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào.

Luôn có phương án để không bị động

(Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển)

Chúng ta luôn luôn là nền kinh tế độc lập, đừng bao giờ quá tin vào một cái gì đó, thị trường là thế. Hôm nay là bạn hàng, nhưng ngày mai không phải bạn hàng nữa, theo lợi ích thôi. Đó là chuyện bình thường. 

Việt Nam đã tham gia WTO, sắp tới là TPP… nên phải chấp nhận nền kinh tế mở, thương mại tự do, không rào cản, phải rất hạn chế việc xử lý hành chính, chỉ có thể sử dụng những công cụ như thuế. Nhưng thuế cũng phải theo quy định chung của WTO chứ không phải tự do. Hàng rào kỹ thuật cần thiết nhưng chỉ ở mức độ nhất định, lúc nào cũng tạo hàng rào thì họ cũng làm vậy. Trong khi đó, mình mới vào kinh tế thị trường, cái gì cũng yếu hơn. Chỉ khi mạnh chúng ta mới áp đặt được các hàng rào kỹ thuật.

Trong nền kinh tế thị trường, không phải cái gì cũng làm, cái nào có lợi thì làm. Làm tất cả các thứ chưa chắc đã hiệu quả, phải theo phân công lao động xã hội. Bây giờ, phân công lao động xã hội không chỉ trong một nước mà giờ là trên toàn thế giới. Việc tự làm hết là nền kinh tế tự cung, tự cấp… đã qua thời đó rồi. Ngày hôm nay, chặn chỗ này chúng ta đi chỗ khác. Thế giới bao la, thiên hạ mở… sao phải chui vào một chỗ.

Kinh tế luôn phải gắn với quốc phòng an ninh, chỉ khi chúng ta đảm bảo được chủ quyền quốc gia, đất nước, an ninh quốc phòng thì kinh tế mới phát triển được. Trong điều kiện hiện nay, phải có biện pháp hỗ trợ ngư dân. Đó là những cột mốc chủ quyền sống của chúng ta. Trong bối cảnh hiện nay, có thể có những chính sách rộng hơn, tạo mọi điều kiện cho người dân để họ vừa làm kinh tế trên biển vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đẩy mạnh sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế

(Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương)

Trong những tháng cuối năm, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp chủ động ứng phó với những tình huống xấu, sao cho chúng ta vừa thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tránh lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc, vừa gìn giữ được hòa bình, chủ quyền đất nước. Lúc này cũng là dịp để chúng ta thúc đẩy sản xuất trong nước, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy nội lực để tạo ra sức sản xuất tốt hơn.

Một vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay là tổng cầu đang thấp, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Để tháo gỡ khó khăn, không gì khác là thúc đẩy khối sản xuất và tạo niềm tin tiêu dùng cho người dân. Vì thế, vấn đề ổn định tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân, người tiêu dùng là hết sức quan trọng.

Giao thương ảnh hưởng thì thiệt hại cả hai bên

(Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, đoàn Thái Bình)

Trong kế hoạch thực hiện năm nay cũng như kế hoạch lâu dài năm tới, vấn đề Biển Đông có tác động rất lớn, trước mắt và lâu dài; ảnh hưởng trước hết đến kinh tế ở những mặt như xuất nhập khẩu hai chiều, liên kết liên doanh khai thác khoáng sản, làm công trình, trao đổi lao động, đào tạo... Những lĩnh vực này, dù muốn hay không cũng ảnh hưởng.

Cho nên, chúng ta phải có phương án thích hợp để khắc phục những tồn tại trước mắt giữa hai bên nhưng quan trọng phải đảm bảo nền kinh tế của ta phát triển tự chủ, độc lập và đảm bảo quyền lợi kinh tế của đất nước; tránh phụ thuộc vào một số nước quá lớn, quá rộng bằng việc hợp tác đa phương với nhiều nền kinh tế trên thế giới để chủ động trong mọi diễn biến.

Phương án không cố định mà còn tùy diễn biến, tình hình. Chúng ta phải tổng kết từ đất nước có gì thuận, không thuận, có gì vừa qua không có lợi… để điều chỉnh. Thực sự, quan hệ kinh tế Việt Nam-Trung Quốc có hai mặt. Việt Nam nhập khẩu một số thiết bị của Trung Quốc, ngược lại, Trung Quốc cũng nhập của chúng ta nguyên liệu. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng có lợi rất nhiều.

Mối giao thương này bị ảnh hưởng thì thiệt hai cả hai bên chứ không riêng gì Việt Nam. Cho nên phải tổng kết kỹ càng và có chiến lược ngắn hạn, dài hạn, thích ứng tình hình, diễn biến. Vấn đề trước mắt là phải giải quyết trong tiêu thụ sản phẩm, nhất là khoáng sản, nông sản xuất thô… phải đẩy mạnh chế biến, cải tiến khâu phân phối để gia tăng giá trị, đỡ thiệt cho người dân.

Cần đặt nền kinh tế vào trạng thái động (Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)

Phải chủ động nguyên liệu vì nếu thiếu sẽ ảnh hưởng tới hợp đồng xuất khẩu, ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp trong nước. Trong tình hình hiện nay, kịch bản phải hết sức linh hoạt, nhiều tình huống, đặt nền kinh tế trong trạng thái động để có thể chuyển từ tình huống này sang tình huống khác. Nhưng đó là những giải pháp không dễ, do đó, phải lo được ổn định vĩ mô. Mà lo ổn định vĩ mô là phải đảm bảo an ninh lương thực.

Bởi vậy, tất cả các bộ, ngành, cán bộ phải làm việc hết sức mình, làm tốt hơn nữa là thể hiện tinh thần yêu nước. Và giải quyết ngay những bức xúc của cử tri, những khiếu nại hợp lý của dân, điều đó đem lại lòng tin cho nhân dân.

Nguồn nguyên liệu của chúng ta hiện nay vẫn còn bị động nhưng ngành dệt may đã có sự chuẩn bị, đi các địa phương để thăm dò địa điểm có thể trồng bông. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này về đất đai, cơ chế để hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước chủ động được về nguyên liệu. Mình vẫn chủ động được chứ không có vấn đề gì. Chỉ sợ buôn lậu, hàng lậu, vì thế phải siết kiểm tra nguồn an ninh thực phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục