Tăng trưởng Việt Nam lạc quan nhờ hiệp định thương mại với EU

Hiệp định thương mại EU-Việt Nam đã đạt được đồng thuận sau gần ba năm đàm phán, sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài, năng suất, giá trị xuất khẩu, củng cố tiềm năng tăng trưởng và các tài khoản bên ngoài.
Tăng trưởng Việt Nam lạc quan nhờ hiệp định thương mại với EU ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Fitch Ratings, việc ký kết hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp Việt Nam hưởng nhiều lợi ích kinh tế vĩ mô dài hạn.

Hiệp định này sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài, năng suất và giá trị xuất khẩu, củng cố tiềm năng tăng trưởng và các tài khoản bên ngoài.

Hiệp định thương mại EU-Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận sau gần 3 năm đàm phán.

Hiệp định này sẽ xóa bỏ hầu như toàn bộ các hàng rào thuế quan trong giai đoạn 10 năm chuyển dịch, và đa số các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ khi hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định cũng mở ra nhiều cơ hội nhận đầu tư từ EU cho các ngành dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tài chính.

Việt Nam hiện đã được hưởng lợi từ cân bằng bên ngoài và tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế tương đối cao. Tăng trưởng GDP thực tế trung bình của Việt Nam giai đoạn 2010-2014 là 5,9% so với mốc 4,5% của xếp hạng BB.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2014 là 4,5% GDP so với thâm hụt trung bình là -1,3%.

Tài khoản bên ngoài đã được củng cố nhờ dòng vốn FDI mạnh và ổn định, với FDI ròng chiếm tổng cộng 3,9% GDP, tương đương 7,2 tỷ USD.

Nền kinh tế vĩ mô ổn định và cái thiện là một yếu tố quan trọng thúc đẩy Việt Nam đạt xếp hạng BB- vào tháng 11/2014.

Các nước thuộc EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 29,7 tỷ USD năm 2014, tăng khoảng 15% so với năm 2013.

Việc các hàng rào thuế thương mại và đầu tư tiếp tục hạ sẽ giúp ngành xuất khẩu Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút thêm nhiều dòng vốn FDI.

Nếu Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và 11 nước tham gia được thông qua, Việt Nam sẽ hoàn thành các thỏa thuận thương mại tự do với 3 trong số 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.

Fitch kỳ vọng sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài khoản bên ngoài ngày càng tăng của Việt Nam tiếp tục là động lực hỗ trợ chỉ số tín dụng quốc gia, trong khi các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến xếp hạng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi nợ công tăng cũng như các khoản nợ tiềm tàng từ ngành ngân hàng.

Fitch dự đoán thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ đạt 6,5% GDP trong năm nay trước khi dần dần hạ xuống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục