Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nếu muốn đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7% thì Chính phủ cần tính toán và sử dụng thêm các đòn bẩy kinh tế khác.
Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, đại biểu Đỗ Văn Sinh đã có một số đánh giá về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
- Thưa ông, việc quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,7% cho cả năm 2017 chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, vậy theo ông, để hoàn thành mục tiêu trên cần phải tập trung vào những giải pháp nào?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, Chính phủ đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, từ đây sẽ kéo theo rất nhiều thứ có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nên dùng tổng lực từ các nguồn lực khác làm đòn bẩy cho nền kinh tế.
Việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô cũng chỉ là một giải pháp, bởi giá dầu thế giới đang nhích lên và hiện đã cao hơn mức trong kế hoạch dự toán ngân sách đặt ra. Dù vậy, giải pháp này cũng chỉ góp một phần, trên thực tế nếu muốn đạt được mức tăng trưởng 6,7% thì phải huy động thêm các nguồn lực khác.
Theo đó, việc thứ nhất là phải quyết liệt và mạnh mẽ trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo hướng vừa trước mắt, vừa lâu dài và phải bền vững.
Bên cạnh đó, cần tập trung cho việc giải quyết nợ xấu, bởi theo báo cáo, nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu đã lên trên 10% so với tổng dư nợ tín dụng. Nếu so với GDP của năm 2016 là khoảng 13%.
- Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lại xem việc khai thác thêm dầu là vấn đề cần xét thật kỹ lưỡng. Xin được biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Nguồn dầu thô chỉ là hữu hạn, nên cần cân nhắc một cách thận trọng. Trong trường hợp giá dầu thế giới có xu hướng tốt thì nên sử dụng giải pháp này.
- Với góc độ là một thành viên của Ủy ban kinh tế, theo ông để tăng trưởng bền vững, cần chú trọng vào những yếu tố nào?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, quan trọng là chất lượng chứ không phải bằng mọi cách tăng trưởng GDP. Thực tế, GDP cũng là một chỉ tiêu phản ánh nhưng không thực chất của nền kinh tế.
Đơn cử, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt vào Việt Nam đã làm GDP tăng rất cao, nhưng giá trị để lại cho Việt Nam là bao nhiêu khi chúng ta chỉ làm gia công, còn lại tất cả nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu.
- Vẫn theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc khai thác thêm dầu có vẻ vẫn chưa “gãi” đúng vị trí “đang ngứa” của nền kinh tế?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Vấn đề cấp bách lúc này là phải tăng nội lực để phát triển doanh nghiệp trong nước. Hiện vấn đề này đang được Chính phủ rất quyết tâm. Có thể lấy ví dụ như cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp thời gian gần đây để “cởi trói” thủ tục hành chính.
Ngoài ra, tôi cũng đánh giá rất cao việc Thủ tướng dành ra 100.000 tỷ đồng để đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao. Nếu làm tốt được việc này sẽ có hiệu quả rất tích cực, đó là Việt Nam sẽ có một nền nông nghiệp mạnh, tiếp đến là chuỗi giá trị gia tăng sẽ cao hơn, tránh tình trạng dư thừa nhiều loại nông sản như vừa qua.
Để xảy ra điều này về nguyên nhân sâu xa vẫn là do chúng ta chưa có liên kết chuỗi giá trị, dẫn đến đầu tư mạnh mún, nhỏ lẻ, từ đó đưa đến sự thua thiệt ngay trên sân nhà.
- Xin cảm ơn ông./.