Tái cơ cấu nông nghiệp: Nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh

Ngày 31/12, ở Hà Nội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp" nhằm góp thêm tiếng nói vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Tái cơ cấu nông nghiệp: Nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 31/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy, hải sản Việt Nam.”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, 30 bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã… đã tham gia phiên giải trình. Phiên giải trình được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết việc tổ chức phiên giải trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy, hải sản Việt Nam” nhằm góp thêm tiếng nói vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Phiên giải trình cũng là cơ sở để Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội và có thêm căn cứ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, văn bản pháp luật trong thời gian tới; chuyển tải những thông tin chính thức, kịp thời tới người dân.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 12 Đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản, thủy lợi) và các nhóm giải pháp chính xuyên suốt (đổi mới cơ chế chính sách; tái cơ cấu đầu tư công; phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước).

Bộ đã, đang tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng về quản lý đất lúa, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc; đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, phát triển hợp tác xã, liên kết trong nông nghiệp.

Bộ trưởng đánh giá, tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (là 3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2013, tương ứng là 3,0% và 2,64%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng, giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014.

Đề cập tới các giải pháp để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm trong toàn ngành; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu từng lĩnh vực và các kế hoạch chuyên đề phục vụ tái cơ cấu theo các lĩnh vực chuyên ngành và tại địa phương; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách; tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trong đó thu hút và phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là khâu đột phá.

Ngành thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân; đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp…, Bộ trưởng cho biết thêm.

Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, giám sát tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương; ưu tiên bố trí xem xét và thông qua các Luật liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường liên kết giữa sản xuất và thị trường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Sỹ Kiêm về khâu đột phá trong thực hiện tái cơ cấu nông nghệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết 2 khâu đột phá là: Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách thực hiện hai đột phá này trên thực tế. Đối với ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ đã cùng Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Luật Khoa học công nghệ mới được ban hành.

Tái cơ cấu nông nghiệp: Nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại phiên họp giải trình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Khẳng định phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, vai trò của doanh nghiệp là hết sức quan trọng, Bộ trưởng cho biết Bộ đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất và bổ sung các chính sách mới khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu khoa học ứng dụng, khoa học công nghệ; đồng thời khuyến khích liên kết của các tổ chức nhà nước với các doanh nghiệp. Bộ cũng tập trung rà soát, đề xuất triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, quy định thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng rà soát lại các quy định nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Liên quan đến quan hệ giữa sản xuất và thị trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng các địa phương thống nhất chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để ổn định sản xuất. Vì vậy trong điều kiện nguồn lực có hạn nhưng nhiều sản phẩm vẫn đạt tăng trưởng cao, phát huy lợi thế thị trường. Để kết nối sản xuất với thị trường, cần rà soát, tháo gỡ những cản trở để cơ chế thị trường hoạt động có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, trong thực tế lực lượng tiếp cận và dẫn dắt sản xuất theo thị trường chính là doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chính là tạo điều kiện cho nền nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn. Thời gian qua có sự cắt khúc giữa sản xuất của nông dân và hoạt động của doanh nghiệp, vì vậy, việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp là một trong những khâu quan trọng được Bộ xác định cần tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành.

Đối với câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có Quyết định số 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này chủ yếu trên cây lúa. Bộ đang tổ chức rút kinh nghiệm và kiến nghị chính phủ hoàn thiện chính sách đối với cây lúa và mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Giải thích về việc doanh nghiệp không trực tiếp liên kết với nông dân mà phải thông qua các thương lái, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu quan điểm: khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân nhưng không một doanh nghiệp nào có thể liên kết với hàng ngàn, hàng vạn hộ nông dân mà chỉ có thể liên kết với các tổ chức đại diện cho người nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung hỗ trợ hình thành các tổ chức đại diện cho người nông dân liên kết với doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Trả lời câu hỏi về việc ngành nông nghiệp đã chuẩn bị những nội dung gì trong quá trình hội nhập, đặc biệt là trong năm 2015, Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng sẽ có hai tác động lớn. Đây là cơ hội để hàng hóa nông sản của Việt Nam xâm nhập thị trường có liên quan thuận lợi, nhưng đồng thời Việt Nam phải mở cửa và giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản ta đang bảo hộ như mía, đường…

Trong điều kiện như vậy, cần tập trung cao độ để phát huy những cây, con, những mặt hàng chủ lực đang là lợi thế của Việt Nam để tăng năng suất, hạ giá thành, thu lãi nhiều hơn. Đối với những ngành yếu thế như mía, đường, chăn nuôi cần những cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ để người sản xuất, doanh nghiệp, nông dân có thể trụ vững được bằng cách hạ giá thành, tăng năng suất….

Một số đại biểu nêu băn khoăn về việc Việt Nam chưa có thương hiệu gạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận lúa gạo là lợi thế của nước ta nhưng chưa có hiệu quả như mong đợi.

Để xây dựng thương hiệu gạo, Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng thương hiệu phải gắn với doanh nghiệp. Bộ trưởng nhận định: Việt Nam chưa thể có thương hiệu gạo khi đang áp dụng tới 70 loại giống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Việt Nam phải đi theo con đường áp dụng đa dạng các loại giống để tăng nhanh sản lượng đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nhận thức đã đến lúc cần thay đổi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với các viện nghiện cứu, các nhà khoa học để nghiên cứu những giống lúa xuất khẩu hiệu quả, sử dụng ổn định khoảng 10 năm trở lên; đồng thời quy hoạch cánh đồng mẫu lớn trồng giống hiệu quả cho năng suất cao, qua đó mới xây dựng được thương hiệu. Năm 2015 sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch này và còn rất nhiều việc cần phải làm trong đó phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng các gói kỹ thuật...

Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân

Tập trung giải đáp khúc mắc của đại biểu Thân Đức Nam về chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đã đưa ra nhiều quy định đối với ngành thủy sản và đặc biệt đối với đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giúp bà con nông dân nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ…

Các bộ, ngành ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý cơ bản nhất, ban hành mẫu tàu để bà con tham khảo. Các địa phương đã thực hiện việc đăng ký, tổ chức rà soát để bảo đảm con tàu đầu tiên được đóng đủ chất lượng. Các địa phương đã bắt đầu lên danh sách ký hợp đồng tín dụng.

Bộ trưởng tin tưởng đến tháng 1/2015 sẽ có nhiều bà con ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để đóng tàu. Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đưa các quy định của Nghị định 67 vào cuộc sống.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, việc xây dựng 5 trung tâm nghề cá ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang đang được Bộ cùng các địa phương xây dựng quy hoạch đầu tư; trong năm 2015 sẽ triển khai ở Khánh Hòa, năm 2016-2020 triển khai ở các địa phương tiếp theo. Cùng với các nỗ lực trong nước, Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn đang làm việc với các nhà tài trợ quốc tế bởi việc xây dựng các trung tâm này cần nguồn lực rất lớn.

Xung quanh câu hỏi của một số đại biểu về việc hiện nay Nhà nước đang khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ nhưng vẫn còn tình trạng ngư dân đánh bắt gần bờ để đảm bảo cuộc sống thường nhật, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: vẫn cần tiếp tục hỗ trợ để ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn trong đó có việc hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, thành lập tổ, đội sản xuất để giúp nhau làm ăn hiệu quả hơn; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, thông tin…

Trả lời băn khoăn của các đại biểu nêu về mẫu tàu đánh bắt xa bờ của bộ đưa ra chưa phù hợp với thực tế, Bộ trưởng cho biết đây chỉ là những mẫu để tham khảo và đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ngư dân để điều chỉnh phù hợp, an toàn, bảo đảm kỹ thuật.

Tham gia giải trình về chính sách tín dụng cho bà con ngư dân đóng tàu vỏ sắt, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: Ngành ngân hàng đã dành ra nguồn vốn khoảng 16.000 tỷ đồng và các nguồn vốn hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, tình hình triển khai tại các địa phương còn tương đối chậm. Qua tổng hợp, hiện mới có 7/18 Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách đối với chủ tàu cá. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã phân bổ 22.000 tàu tại 28 tỉnh, thành phố, nhưng việc phê duyệt, xem xét của các địa phương còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ xem xét cho vay tín dụng.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế như một số ngư dân không đủ điều kiện vay vốn; một số chủ tàu không đủ vốn đối ứng; một số cơ sở đóng tàu chưa đáp ứng được điều kiện. Mặt khác, theo quan điểm truyền thống, nhiều bà con kiêng đóng tàu trong hai năm nên có tâm lý đợi sang năm mới mới hoàn thành tàu; tàu vỏ sắt không đạt hiệu quả cao trong việc đánh bắt thủy sản bằng phương tiện truyền thống… vì vậy chương trình triển khai chưa được như mong muốn.

Nhận thức đây là vấn đề quan trọng, Ngân hàng nhà nước đã giao 5 ngân hàng thương mại nhà nước xem xét, tiếp cận ngư dân; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Cao Đức Phát và đại diện các bộ, ngành đã giải đáp thỏa đáng các câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến tình hình thiên tai dịch bệnh; giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân; các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch; kiến nghị vay vốn phát triển rừng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục