Sự thật về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ

Ngày 31/3/1955, Chính phủ Pháp đã từng thành lập một Ủy ban điều tra nhằm xác định người phải chịu trách nhiệm về thảm bại tại Điện Biên Phủ.

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, giới chính trị và quân sự của Pháp không ngừng đổ lỗi cho nhau, trong đó Tướng Henri Navarre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, người bị quy trách nhiệm nặng nề đã phản ứng kịch liệt với chính giới và thông qua các phương tiện truyền thông vì thấy mình bị quy kết oan sai.

Điều này đã buộc Chính phủ của Thủ tướng Mendès France lúc bấy giờ phải thành lập một Ủy ban điều tra vào ngày 31/3/1955, nhằm xác định người phải chịu trách nhiệm về thảm bại đó.

Cuộc trao đổi của phóng viên TTXVN tại Pháp với Đại úy Ivan Cadeau, thuộc Bộ phận lịch sử tại Bộ Quốc phòng Pháp, cho thấy đây là một bí mật mà nước Pháp đã giữ kín trong nhiều thập kỷ qua và đến nay cũng rất ít người biết đến sự tồn tại của Ủy ban này.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Trong những năm 1953-1954, quân đội Pháp có ưu thế hơn hẳn quân đội Việt Nam về quân số và phương tiện chiến tranh, vậy theo ông tại sao quân đội Pháp lại thất bại tại Điện Biên Phủ? Liệu có thể nói chính sách của Pháp với Việt Nam hay cuộc chiến tranh của Pháp tại Việt Nam là một sai lầm?


Đại úy Ivan Cadeau:
Tôi không thích những lời giải thích nhìn nhận mọi việc một các đơn giản hóa. Để hiểu được điều gì dẫn đến thất bại tại Điện Biên Phủ cần phải quay ngược trở lại những năm 1945-1946 để xem xét các sai lầm của giới chính trị Pháp lúc đó.

Tổng thống De Gaulle lúc bấy giờ đã muốn giữ Đông Dương lại như là các nhà nước tự trị thuộc Liên hiệp Pháp, nhưng mọi chuyện đã không ổn ngay từ đầu. Nước Pháp đã không biết mình muốn gì: làm thế nào để giữ được vị thế đã từng có? Có nên tham gia vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản hay không? Có nên giúp đỡ các nhà nước thành viên thuộc Liên bang Đông Dương hay không?

Tóm lại ngay từ đầu, nước Pháp đã nhận thức một cách hết sức mơ hồ về mục đích của cuộc chiến tranh. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh lại được dẫn dắt bởi 19 chính phủ kế tiếp nhau trong giai đoạn từ 1945-1954 dưới nền Cộng hòa thứ tư.

Còn phía bên kia được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Việt Minh, với những con người đã được lựa chọn và các mục đích đã được xác định rõ ràng, đó là huy động toàn bộ nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến.

Việt Minh đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số người dân, điều này cũng khác hẳn với chính quyền Bảo Đại được Pháp dựng lên, nhưng không nhận được sự ủng hộ của người dân.

Dưới góc độ quân sự, quân đội Pháp tại Đông Dương gồm binh sỹ đến từ chính quốc nhưng cũng có rất nhiều người đến từ các nước thuộc khối Liên hiệp Pháp như Algeria, Maroc, tổng cộng có binh sỹ của 17 quốc gia tham chiến, chính vì vậy họ không có quyết tâm cao như bộ đội Việt Nam trong các trận chiến.

Ngoài ra, do các chính phủ của Pháp thay đổi quá nhanh nên họ đã không đưa ra được đường lối nhất quán. Trong việc bổ nhiệm tướng Henri Navarre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, cũng vậy. Ông là vị Tổng tư lệnh thứ 7 tại Đông dương. Chính phủ nói với ông rằng nhiệm vụ của ông không phải là chiến thắng vì điều đó là không thể, mà chỉ là cố gắng duy trì và làm cho đối phương hiểu rằng họ không thể chiến thắng vì thế cần phải đàm phán, và nước Pháp muốn đàm phán trên thế mạnh.

Tóm lại nước Pháp muốn tìm một lối thoát trong danh dự. Nhưng kể từ khi Henri Navarre được bổ nhiệm vào tháng 5/1953, Chính phủ Pháp đã không đưa ra cho ông các chỉ thị cụ thể và trong nhiều trường hợp không trả lời các đề nghị của ông. Chính vì vậy, khó có thể quy kết các trách nhiệm cho ông.

- Tại sao một Ủy ban điều tra đã được thành lập vào ngày 31/3/1955? Vì sao rất ít người biết về sự tồn tại cũng như các kết luận của Ủy ban này?

Đại úy Ivan Cadeau: Trận Điện Biên Phủ là một thảm bại đối với đội quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Sau trận này, cuộc chiến vẫn còn tiếp tục trong một thời gian nữa, tuy nhiên, cú sốc tâm lý lớn đến mức mà nước Pháp hay nói chính xác là Chính phủ Pháp muốn kết thúc mọi chuyện thật nhanh với việc ký kết Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tại sao lại như vậy? Có thể là do các chính phủ của nước Pháp lúc bấy giờ nhận thấy rằng cuộc chiến này đã hao tốn quá nhiều tiền bạc và con người trong khi nước Pháp còn nhiều mối quan tâm khác, các cuộc chiến ở Bắc Phi chẳng hạn.

Tướng Henry Navarre biết rằng khi trở về Pháp, ông sẽ trở thành "vật tế thần," có nghĩa là phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thất bại tại Điện Biên Phủ, nhưng ông không muốn là người duy nhất chịu trách nhiệm, chính vì vậy ông đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra.

Lúc đầu, Chính phủ Pháp không muốn khuấy lại chuyện cũ vì nó chẳng có ích lợi gì ngoài việc làm công luận thêm bối rối. Nhưng tướng Navarra đã nhấn mạnh nhiều lần.

Đặc biệt là tạp chí Jours de France (số ra từ ngày 20-27/1/1955) đã đăng bài trả lời phỏng vấn rất dài của tướng Navarre với báo chí, khi đó Chính phủ Pháp buộc phải thành lập Ủy ban điều tra vì họ không muốn ông nói hết mọi chuyện với báo chí và điều đó cũng thể hiện rằng chính phủ đã không muốn nghe ông nói.

Ủy ban điều tra không phải là một tòa án, Ủy ban không phán xét điều gì và cũng không kết án ai cả, nó chỉ đưa ra các kết luận, vậy thôi. Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban là những nhân vật hết sức có ảnh hưởng của quân đội Pháp lúc bấy giờ, họ đã không đáp ứng đề nghị của chính phủ và quyết định rằng các kết luận của Ủy ban phải được giữ bí mật trong 50 năm. Điều này cho thấy thêm một lần nữa rằng nước Pháp muốn những gì liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam cần được cho vào hộp giấy, bỏ vào tủ và khóa kín lại. Không cần phải đào bới thêm nữa vì nó chỉ gây chia rẽ trong chính giới nước Pháp vào thời kỳ đó.

Cuối cùng thì Ủy ban cũng đưa ra những kết luận tương đối rõ ràng về trách nhiệm của giới chính trị và sai lầm của giới quân sự ở cả hai mức độ chiến lược và chiến thuật.

Tuy nhiên, Ủy ban cũng tỏ ra khá khoan dung với các tướng lĩnh tại chiến trường vì họ biết rằng vì họ biết ngay cả khi các tướng lĩnh không phạm các sai lầm đó thì cục diện chiến trường cũng không thay đổi gì cả và Điện Biên Phủ cũng vẫn sẽ thất thủ.

- Khi những bàng hoàng đầu tiên qua đi, báo chí Pháp đã viết: "Chính tại Paris là nơi trận Điện Biên Phủ đã thất bại," ông nghĩ sao về điều này?

Đại úy Ivan Cadeau: Đúng là giới lãnh đạo chính trị và quân sự phải chịu trách nhiệm về thất bại. Giới lãnh đạo chính trị là người phải chịu trách nhiệm cao nhất vì đã không nhìn nhận nghiêm túc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trách nhiệm của các chính phủ kế tiếp nhau đã được nêu ra một cách rõ ràng từ lâu. Các chính phủ đó đã không hiểu rõ tại sao lại phải cấp ngân sách và đưa ra các quyết định cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhưng họ vẫn làm điều đó.

Trong trường hợp cụ thể của trận Điện Biên Phủ cũng vậy, có trách nhiệm của cả giới chính trị lẫn giới quân sự. Tướng Navarra đã có quan điểm nhất quán khi đưa quân đến Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, giới quân sự đã không tính toán kỹ để xem có cách nào cắt đứt mọi con đường tiếp tế của Việt Minh tại vùng đồng bằng hay không, như thế sẽ không cần phải đưa quân lên Điện Biên Phủ.

Chính vì vậy, nói cuộc chiến tranh Đông Dương thất bại tại Paris hay trận Điện Biên Phủ thất bại tại Paris là đúng, vì có quá nhiều sai lầm ở mọi cấp.

- Những người lính Pháp nghĩ gì về những người lính Việt Nam lúc đó? 60 năm đã trôi qua, liệu người Pháp vẫn còn giữ mặc cảm khi nhắc lại Điện Biên Phủ? Cảm nhận của người Pháp ngày hôm nay là gì?

Đại úy Ivan Cadeau: Trước tiên, cần phải nói rằng không nên dùng từ "mặc cảm" vì nó không phù hợp. Còn binh sỹ Pháp nói chung, họ rất tôn trọng đối phương của mình.

Có thể kể ra đây trường hợp của Đại tá Jacques Allaire, lúc bấy giờ là Thượng úy thuộc tiểu đoàn lính dù số 6, chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Tướng Marcel Bigeard -người sau này trở thành Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Pháp, ông luôn thể hiện sự tôn trọng của mình đối với Việt Minh. Theo ông, khác hẳn với đội quân của Bảo Đại, bộ đội Việt Nam chiến đấu với niềm tin và quyết tâm cao, đây thực sự là quân đội của Việt Nam.

Sau chiến tranh, những người lính Pháp cũng không hề căm thù những người lính Việt Nam. Cảm xúc của họ là giận dữ và cay đắng khi thấy bị Chính phủ Pháp bỏ rơi tại một vùng đất xa xôi. Chính phủ Pháp đã không làm hết khả năng để thay đổi mọi việc.

60 năm sau Điện Biên Phủ, tôi không nghĩ là mình có thể nói thay cho những cựu chiến binh Pháp, nhưng mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều.

Rất nhiều cựu chiến binh Pháp thực sự yêu mến đất nước Việt Nam, họ luôn tìm cách quay trở lại Việt Nam, một trong những lý do là vì tuổi trẻ của họ đã ở đó.

Tôi cũng mới xem một phóng sự về Việt Nam, hai nước chúng ta đang thực sự hòa giải, đặc biệt năm nay lại là Năm Việt Nam tại Pháp, điều này càng trở nên có ý nghĩa.

Riêng về cá nhân tôi, tôi có nhiều người bạn Việt Nam và tôi luôn cảm nhận được những tình cảm hữu nghị thực sự chân thành với những người bạn Việt Nam của mình. Đây là thời điểm chúng ta phải hòa giải các ký ức.

Dưới đây là một số hình ảnh các tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Bích Hà-Tiến Nhất/Vietnam+):

Sự thật về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ ảnh 1Trang nhất tờ Le Parisien libéré số ra ngày 8/5/1954 chạy dòng tít lớn: "Điện Biên Phủ thất thủ."
Sự thật về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ ảnh 2Hồ sơ số 5 về chất vấn tướng Henri Navarre.
Sự thật về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ ảnh 3Trang bìa của tập hồ sơ số 5 về phiên điều trần của tướng Henri Navarre. Phiên điều trần diễn ra ngày 20/5/1955.
Sự thật về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ ảnh 4Tạp chí Jours de France số ra tháng 1/1955 có bài phỏng vấn tướng Navarre về thất bại tại Điện Biên Phủ.
Sự thật về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ ảnh 5Bức ảnh Tướng Navarre (phía trái) với bộ mặt đăm chiêu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục