Những ngày vừa qua, buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa đã chạy thử nghiệm vào 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều trên trục đường Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ gây ùn tắc nghiêm trọng hơn.
Trên các trang mạng xã hội và truyền thông đã có những luồng ý kiến trái chiều khi đặt câu hỏi tại sao lại phải dành đường cho BRT chạy khi Hà Nội đã quá tắc nghẽn? BRT sẽ “chết yểu” vì tính khả thi hầu như không có?
Thậm chí, buýt nhanh BRT sẽ khó hoàn thành sứ mệnh lịch sử của việc hạn chế phương tiện cá nhân nếu như bài test ý thức văn hóa giao thông của người dân cho kết quả kém.
BRT không phải “liều thuốc tiên”
Nếu vào Google gõ cụm từ khóa “xe buýt nhanh”, chỉ trong vòng 0,37 giây cho ra 1.400.000 kết quả tìm kiếm kèm theo với những cụm từ “vật vã” trong giờ tan tầm; “chôn chân” trên đường giờ cao điểm; “bò như rùa” trên đường Hà Nội; “bò” sau ôtô, xe máy…
24 chiếc xe buýt nhanh BRT đã lăn bánh vào 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều trong ngày ngày 29/12 để đánh giá tác động đến giao thông trên tuyến. Hôm nay (30/12), số xe này sẽ tiếp tục chạy vào các khung giờ trong ngày, có chở khách.
Ghi nhận của phóng viên, buýt nhanh BRT phải mất tới 45-50 phút để chạy hết lộ trình Kim Mã-Yên Nghĩa vào giờ cao điểm mặc dù có đường ưu tiên và được lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông căng sức phân làn, nhưng những chiếc xe buýt nhanh vẫn bị "khóa đầu, chặt đuôi", bất lực trong vòng vây của ôtô, xe máy. Cá biệt, tại các nút giao, xe buýt nhanh phải dừng lại, ưu tiên, đợi các phương tiện khác đi qua.
Trên tuyến đường này, khi chưa có xe buýt nhanh, từng ấy mét đường, lượng xe máy, ôtô cá nhân, buýt thường chen chân len lỏi, nhiều lúc vẫn phải nhích từng mét vào giờ cao điểm.
Thế nhưng, khi phải dành 1/3 làn đường dành cho buýt, tình trạng ùn tắc sẽ gia tăng và một bộ phân cư dân mạng đã lớn tiếng tuyên bố muốn "ném" dự án buýt nhanh vào sọt rác hay mong “vỡ trận” để giao thông không xáo trộn và phiền toái.
Với điều kiện giao thông của Hà Nội, không dễ để có hẳn một làn đường ưu tiên và hệ thống đèn ưu tiên, nên giai đoạn đầu BRT sẽ khó phát huy hiệu quả. Nếu người dân không đón nhận và không ủng hộ, việc “chết yểu” của dự án này sẽ là đương nhiên.
Trong trường hợp dự án đầu tiên “vỡ trận”, 7 tuyến tiếp theo trong quy hoạch sẽ được đưa lên bàn cân và mổ xe, khó có thể triển khai thực hiện.
Nhiều chuyên gia giao thông và cơ quan quản lý Nhà nước bày tỏ quan điểm, sứ mệnh của BRT sẽ là giới thiệu cho người dân thế nào là vận tải công cộng khối lượng lớn để từng bước làm quen bởi buýt nhanh không phải là “liều thuốc tiên” trị dứt ngay căn bệnh tắc đường vốn đã bị mạn tính.
Để BRT hoạt động hiệu quả, nhất định phải có làn đường riêng với những ưu tiên về hệ thống đèn tín hiệu giao thông để buýt nhanh BRT không phải chậm nhịp trong suốt quá trình di chuyển, từ đó, rút ngắn thời gian chạy trên tuyến.
Sau nhắc nhở, sẽ phạt nguội
Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp buýt BRT, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, sau một thời gian chạy thử không tải, ngày hôm nay, đoàn xe này sẽ vận hành theo đúng biểu đồ đã được phê duyệt, vào tất cả các khung giờ trong ngày.
“Đoàn xe vẫn trong quá trình chạy thử nghiệm, nhưng trong ngày 29-30/12, nếu hành khách muốn được trải nghiệm tuyến buýt nhanh đầu tiên trên địa bàn thành phố thì chúng tôi vẫn phục vụ,” ông Nguyễn Thủy thông tin.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thủy, xe buýt nhanh Hà Nội sẽ chính thức vận hành chở khách từ ngày 31/12 và trong một tháng đầu tiên, người dân sẽ được trải nghiệm dịch vụ buýt nhanh này miễn phí.
Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đánh giá, trong phương án tổ chức giao thông khi BRT chạy thử đã lường trước được việc khó tránh khỏi một số phương tiện chưa chấp hành tốt trong thời gian đầu. Việc này sẽ phải làm dần qua tuyên truyền nhắc nhở để người dân chấp hành nghiêm.
“Sau thời gian đầu tuyên truyền nhắc nhở sẽ kết hợp xử phạt tại chỗ, thậm chí sẽ phạt nguội qua camera giám sát vi phạm trên tuyến BRT chạy qua,” ông Hà khẳng định.
Liên quan đến việc buýt nhanh BRT “bò” sau ôtô, xe máy, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, việc BRT chạy thử sáng nay thực chất vẫn là test về kỹ thuật để kiểm tra tất cả những vấn đề liên quan nhằm phối hợp nhịp nhàng giữa nhà chờ và xe buýt để chạy chính thức vào ngày mai (31/12).
“Việc BRT đang chạy thử nghiệm thì khó tránh khỏi việc lộn xộn vì người dân chưa quen. Tất cả biển báo có hiệu lực rồi nhưng do người dân chưa quen, thậm chí có biển cấm rẽ trái và cấm xe máy đi lên cầu người dân vẫn đi vào nên lực lượng Thanh tra và Cảnh sát giao thông phải thường xuyên ra nhắc nhở. Phải mất một thời gian tuyên truyền, hướng dẫn thì người dân sẽ quen dần,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, qua việc chạy thử sáng nay cho thấy đã có một lượng lớn phương tiện trên tuyến người điều khiển phương tiện giao thông thấy biển báo chỉ dẫn và chấp hành nghiêm việc dành riêng làn đường cho BRT.
Ông Tuấn cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng đây là những chuyển biến căn bản trên tuyến và khi tuyến buýt nhanh chính thức đưa vào vận hành và triển khai một cách bài bản sẽ khả quan./.
Các chuyến xe buýt nhanh sẽ chạy trên làn đường riêng tại đoạn Ba La-Quang Trung-Lê Trọng Tấn-Đường trục Bắc Hà Đông-Tố Hữu-Lê Văn Lương-Láng Hạ-Giảng Võ-nút Giang Văn Minh-Cát Linh.
Các loại xe bình thường được quy định như sau: cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm (6-9 giờ và 16 giờ 30-19 giờ 30) trên tuyến Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương. Cấm môtô, xe gắn máy, xe thô sơ trên hai cầu vượt Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương-Láng trong giờ cao điểm (6-9 giờ và 16 giờ 30-19 giờ 30). Cấm hoàn toàn xe tải và xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên trên hai cầu vượt này.