Spotify tiếp tục thống trị phân khúc nhạc trực tuyến thế giới

Với 50 triệu người dùng trả phí, Spotify tiếp tục nới rộng khoảng cách với các đối thủ và khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong dịch vụ âm nhạc trực tuyến.
Spotify tiếp tục thống trị phân khúc nhạc trực tuyến thế giới ảnh 1Ảnh minh họa. (nguồn: Newsweek)

Với 50 triệu người dùng trả phí, Spotify tiếp tục nới rộng khoảng cách với các đối thủ và khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong dịch vụ âm nhạc trực tuyến.

Spotify công bố thành tích trên qua tài khoản mạng xã hội Twitter của hãng này. Như vậy, Spotify hiện bỏ khá xa Apple Music, kẻ bám đuổi "sát nút" nhất vào thời điểm hiện tại.

Trước đó, vào tháng 12, Apple Music thông báo dịch vụ này có 20 triệu người dùng.

Hồi tháng 6/2016, Spotify từng cho biết dịch vụ của hãng có tổng cộng 100 triệu tài khoản đăng ký. Tuy nhiên, con số này bao gồm cả những người dùng không lựa chọn đóng phí và chỉ sử dụng những dịch vụ miễn phí.

Dịch vụ nhạc trực tuyến tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây và trở thành sân chơi cạnh tranh của nhiều tên tuổi tham vọng.

"Quả táo cắn dở" Apple với dịch vụ Apple Music ra mắt năm 2015 hay dịch vụ Tidal do nghệ sỹ da màu Jay Z "đỡ đầu" đều nỗ lực lôi kéo người yêu nhạc với việc tung ra các sản phẩm âm nhạc độc quyền.

Trong khi đó, "gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến" Amazon hồi tháng 10/2016 giới thiệu chương trình ưu đãi chiết khấu cho các người dùng sử dụng loa của Amazon.

Một số đối thủ cạnh tranh đáng kể khác bao gồm Deezer đặt trụ sở tại Paris (Pháp) với sức phủ sóng mạnh tại thị trường châu Âu hay Rhapsody - người tiên phong trong làng nhạc trực tuyến tại Seattle, Mỹ.

Trong bối cảnh đó, thương hiệu Spotify của Thụy Điển vẫn được đánh giá cao với ưu điểm là dịch vụ dễ sử dụng và kho âm nhạc đa dạng.

Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trả phí, cho phép người dùng nghe không giới hạn các bài hát trên mạng Internet với một khoản phí trả hàng tháng, đã tăng trưởng mạnh trong nhiều năm trở lại đây và mang lại "sức bật mới" cho ngành công nghiệp âm nhạc.

Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến trả tiền tăng trưởng gấp đôi trong năm vừa qua tại Mỹ, trở thành một "trụ cột" đáng kể cho ngành công nghiệp âm nhạc đang trì trệ do sức tiêu thụ album kém.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ không "mặn mà" lắm với hình thức mới này, cho rằng chỉ một số các ngôi sao hàng đầu với tầm ảnh hưởng lớn có thể thu lợi nhuận từ dịch vụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục