Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18-30/8 tới.
Hội nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác của APEC, các ưu tiên được thông qua tại Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ nhất và lần thứ hai, đồng thời xây dựng nội dung, chương trình của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Đây là đợt hội nghị lớn thứ ba của Năm APEC. Hội nghị lần này, các quan chức cao cấp bao gồm 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học, công nghệ và sáng tạo, chống tham nhũng, y tế, ứng phó tình trạng khẩn cấp, cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực tham gia hội nhập kinh tế…
Trong dịp này, các đại biểu tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt hướng tới triển khai ngày càng cụ thể ưu tiên của Năm APEC 2017 cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Ủy ban, Nhóm công tác của APEC cũng sẽ thảo luận hướng các văn kiện trình các Bộ trưởng APEC thông qua, tạo cơ sở để chuẩn bị nội dung và chương trình của Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Tại Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì: Hội nghị các quan chức cao cấp; cuộc họp Nhóm Ban của Chủ tịch về kết nối; Hội thảo về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội…
[Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị cho Tuần lễ APEC]
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ chủ trì Cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế. Với chủ đề “Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”, Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế tập trung thảo luận các nội dung gồm: Khái niệm “đầu tư xã hội” - Đo lường lợi ích đầu tư cho y tế; cách tiếp cận trong thu thập dữ liệu để đo lường hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tạo các cơ chế tài chính y tế bổ sung trong khu vực APEC; rà soát tình hình triển khai “Lộ trình vì Một châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020;” kết quả các Đối thoại chính sách tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm; lao và lao đa kháng thuốc; hài hòa quy định về dược…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn chủ trì 6 cuộc họp liên quan về y tế: Diễn đàn đa phương về đầu tư cho tuổi già năng động và khỏe mạnh hướng tới phát triển bền vững; đối thoại cao cấp về đổi mới hệ thống quản lý và hài hòa quy định; cuộc họp nhóm công tác về y tế; đối thoại chính sách về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm; đối thoại chính sách về tăng cường phòng chống lao và lao đa kháng thuốc; đối thoại chính sách về phòng chống ung thư cổ tử cung và họp nhóm chuyên trách về phòng chống ung thư).
Từ ngày 21-25/8, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì tổ chức Tuần lễ An ninh lương thực, trong đó điểm nhấn là Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cũng trong Tuần lễ An ninh lương thực còn diễn ra nhiều sự kiện: Cuộc họp thường niên của nhóm Công tác APEC; các hội thảo kỹ thuật chuyên đề; diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo; triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế; tham quan thực địa sẽ được tổ chức tại 3 địa điểm (Vườn trái cây Vàm Xáng, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ; Mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trung tâm khảo nghiệm sản xuất lúa và nghiên cứu phân bón của Viện nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, thành phố Cần Thơ).
Nhân dịp này, 8 bộ, ngành của Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của APEC như: Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ.
Việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các quan tâm chung của Diễn đàn trong bối cảnh mới. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên APEC (1998-2018)./.