Sẽ dừng dùng ngân sách mua vật liệu có amiăng hỗ trợ đồng bào dân tộc

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và dừng dùng nguồn ngân sách thông qua Ủy ban Dân tộc mua các vật liệu có amiăng hỗ trợ đồng bào dân tộc," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương nói.
Sẽ dừng dùng ngân sách mua vật liệu có amiăng hỗ trợ đồng bào dân tộc ảnh 1Người dân vận chuyển tấm lợp để làm nhà. (Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN)

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và dừng dùng nguồn ngân sách thông qua Ủy ban Dân tộc mua các vật liệu có amiăng hỗ trợ đồng bào dân tộc.”

Đây là khẳng định của ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Hội thảo Tham gia của các tổ chức xã hội đóng góp cho kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng.

Hội thảo do Hội liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Mạng lưới cấm sử dụng amiăng ở Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 2/9.

Không nên hỗ trợ tấm lợp có amiăng

Theo ông Trần Anh Thành, Cục quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp hàng đầu, chiếm hơn một nửa số ca tử vong vì bệnh ung thư nghề nghiệp.

Amiăng có ba loại: amiăng xanh, nâu và trắng. Ở Việt Nam, amiăng xanh và nâu đã bị cấm sử dụng, riêng amiăng trắng vẫn đang được sử dụng, chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng.

Đến nay, Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác hại của amiăng trắng.

Tuy nhiên, theo ông Thành, các nghiên cứu của WHO chỉ ra bụi amiăng trắng gây ung thư và không có ngưỡng an toàn nào cho việc sử dụng. WHO khuyến nghị cấm tất cả các loại amiăng là cách hữu hiệu nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Xuân Việt, Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiến nghị nên dừng việc dùng ngân sách Nhà nước mua các tấm lợp có amiăng để hỗ trợ đồng bào dân tộc.

Cùng quan điểm này, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng việc hỗ trợ đồng bào bằng những tấm lợp có amiăng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân. 

“Nếu hỗ trợ đồng bào bằng tấm lợp không có amiăng, giá thành có thể tăng lên, nhưng đỡ bệnh cho họ,” ông Tuấn nói.

“Đừng giúp người nghèo bằng những thứ độc hại,” ông Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu về con người, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu.

[Amiăng: Từ vật liệu thần kỳ đến ác mộng ung thư]

Sẽ dừng cấp vật liệu có amiăng

Trước các kiến nghị này, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, đồng bào dân tộc hiện sử dụng khá nhiều tấm lợp có amiăng. 

“Chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng châu Âu tiến bộ hơn chúng ta rất nhiều và họ cũng xác nhận những tác hại của amiăng trắng. WHO khuyến cáo không sử dụng nghĩa là họ đã nghiên cứu sâu. Chúng ta nên theo khuyến cáo đó,” ông Lương nói.

Ông Lương cho biết, hàng năm, Ủy ban Dân tộc có nhiều chương trình để hỗ trợ đồng bào. Ủy ban Dân tộc sẽ nghiên cứu kỹ và dừng các nguồn ngân sách thông qua Ủy ban để mua sắm các vật liệu có amiăng. 

“Ngoài ra, các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, chúng tôi cũng sẽ khuyến cáo không nên dùng mua vật liệu có amiăng. Chúng tôi cũng sẽ giao cơ quan thành tra của Ủy ban Dân tộc trong quá trình thanh tra các công trình và trách nhiệm của các bộ ngành với hoạt động dân tộc có khuyến cáo về vật liệu có amiăng,” ông Lương nói.

Theo ông Lương, hiện có khoảng 24 báo, tạp chí được cấp phát miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây sẽ là kênh tuyên truyền tác hại của amiăng rất hiệu quả cho đồng bào.

Ông Lương cũng đề nghị Bộ Y tế, Hội Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa về tác động của amiăng đến sức khỏe con người tại Việt Nam.

“Đồng bào dân tộc rất thiếu nước sinh hoạt nên họ thường hứng từ dòng chảy trên các tấm lợp để sử dụng. Cần nghiên cứu xem ngoài việc gây ung thư qua đường hô hấp như WHO đã chỉ ra, amiăng có tác hại qua đường ăn, uống không? Cần có nghiên cứu đối chứng về mặt sức khỏe của người dân ở những nơi sử dụng nhiều tấm lợp có amiăng và những nơi ít sử dụng để có minh chứng xác thực,” ông Lương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục