Những ngày cận Tết, lại đúng vào dịp cuối tuần nên lượng khách từ Thành phố Hồ Chí Minh tỏa về các tỉnh ngày một đông, nhất là tại sân bay, nhà ga và bến xe.
Ngày 25/1, mặc dù đã vào giờ trưa nhưng tại sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách tập trung làm thủ tục vẫn còn đông đúc, đặc biệt là tại quầy vé của hãng VietJet Air và Vietnam Airlines.
Tại đây có đến hàng trăm người xếp thành hàng dài và xoay quanh quầy làm thủ tục. Thi thoảng cũng có một số người đến quầy làm thủ tục bổ sung do trễ chuyến. Có không ít người, vì hết ghế ngồi trong khu vực sân bay đã phải ngồi bệt, vật vờ chờ đợi - điều hiếm khi gặp tại sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày thường.
Để kịp chuyến bay về Vinh lúc 13 giờ hôm nay, anh Thịnh đã phải có mặt tại sân bay trước hai giờ. Anh cho biết: “Chưa bao giờ tôi lại phải có mặt sớm như hôm nay để làm thủ tục. Lượng khách tập trung đông quá, nếu không chủ động có mặt sớm thì trễ chuyến là điều dễ xảy ra.”
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết ngày thường lượng khách đi ga trong nước khoảng 12.000 đến 13.000 lượt/ngày, những ngày gần Tết tăng lên 22.000 đến 23.000 lượt/ngày, cao điểm có ngày lên đến 60.000 lượt đi-đến/ngày. Riêng ga quốc tế ngày thường có khoảng 11.000 lượt đến/ngày thì nay tăng lên 14.000 lượt đến/ngày.
Ông Đặng Tuấn Tú cho rằng, lượng khách đông gây ún ứ chứ không gây ách tắc. Trong năm nay, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng để tránh tình trạng quá tải của sân bay vốn đã được cảnh báo từ rất lâu.
Tại bến xe miền Đông và bến xe miền Tây, lượng hành khách tập trung đông hơn so với ngày thường, chủ yếu là chờ để lên xe về quê hơn là mua vé. Ghi nhận tại bến xe miền Đông, hành khách chủ động có mặt chủ yếu để đi các tỉnh miền Trung (Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa), miền Bắc, bên cạnh đó cũng có nhiều người mua vé đi cự ly ngắn hơn như Bình Phước, Tuy Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi ngay trong ngày 25/1.
Trong khi đó, ông Lê Công Tâm, Trưởng phòng điều hành Bến xe miền Tây cho biết lượng khách đã tăng nhưng hiện chưa có đột biến. Hôm nay có khoảng 32.000 lượt khách (ngày thường là 20.000 đến 22.000 lượt), cao điểm sẽ là ngày 28 và 29 Tết, với lượng khách lên đến hơn 53.000 lượt.
Tại ga Sài Gòn, đối lập với cảnh hàng nghìn người xếp hàng đổi vé cách đây vài ngày, nay lượng khách đến đổi vé thưa vắng, khách mua vé cũng thi thoảng, chủ yếu là hành khách đến gửi đồ, xe máy và lên tàu về quê.
Liên quan đến vấn đề đi lại trong dịp Tết Nguyên Đán, ngày 25/1, ông Trương Ngọc Thu, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Trang cho biết để nâng cao chất lượng phục vụ đi lại cho người dân tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu, Công ty đã quyết định thay toàn bộ xe cũ hiện nay (12 chiếc) bằng 30 xe Samco Isuzu 34 chỗ mới, với trị giá hơn 40 tỷ đồng, nhưng giá vé không đổi (110.000 đồng/lượt). Đặc biệt, Công ty sẽ giảm giá 10% cho hành trình khứ hồi và giảm 5% cho hành khách có vé tàu cao tốc cánh ngầm.
Xe sẽ chạy trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (thông xe giai đoạn 1) nên thời gian chạy suốt tuyến sẽ rút ngắn được 1,5 giờ. Với lộ trình này, nhà xe Phương Trang sẽ góp phần đáp ứng và giảm áp lực nhu cầu đi lại bằng đường thủy sau sự cố tàu cánh ngầm bị cháy.
Dịp Tết Nguyên đán, Công ty Phương Trang đã đầu tư 500 tỷ đồng để mua sắm 100 xe phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách với 600 chuyến/ngày, chuyên chở 30.000 hành khách/ngày.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có hướng dẫn lộ trình lưu thông từ Thành phố về các tỉnh miền Đông và miền Tây và ngược lại cho các loại xe khách dịp Tết Nguyên Đán.
Sở cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang để lắp đặt đầy đủ các biển báo hướng dẫn lưu thông tránh tình trạng ùn ứ cũng như tăng cường năng lực điều tiết giao thông tại các vị trí, giao lộ hay xay ra kẹt xe…/.