Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD

Quy hoạch phát triển sản xuất hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững, nâng kim ngạch xuất khẩu ngành đạt 1,2-1,3 tỷ USD.
Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu phấn đấu mức kim ngạch 1,2 tỷ USD ảnh 1Mô hình trồng tiêu trên trụ gạch xây ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị ngành hồ tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu

Quy hoạch này nhấn mạnh việc khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển hồ tiêu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.

Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%. Về cơ cấu sản phẩm: tiêu đen 70% (trong đó tiêu nghiền bột 15%), tiêu trắng 30% (tiêu nghiền bột khoảng 25%) và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2-1,3 tỷ USD.

Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch ngành hồ tiêu trên toàn quốc tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu tại địa phương; tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được duyệt.

Đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa các địa phương cần có kế hoạch trồng tái canh. Hồ tiêu trồng ở những nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, hồ tiêu bị nhiễm các bệnh khó phòng trị và không nằm trong vùng quy hoạch được duyệt, các đơn vị cơ sở cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác theo quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch, các địa phương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo chứng chỉ chất lượng VietGAP, Global GAP…

Nhấn mạnh thêm về quy hoạch phát triển đầu ra cho hồ tiêu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các đơn vị cơ sở cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. Khai thác tốt các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường có nhiều tiềm năng như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi… và từng bước thâm nhập thị trường là các nhà phân phối gia vị, các nhà chế biến thực phẩm tại các nước tiêu thụ, phát triển ngành hồ tiêu bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục