Với 225 phiếu thuận và 109 phiếu chống, ngày 2/8, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách luật lao động mà chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi trong nhiều tháng qua.
Trước đó, dự luật này đã được thông qua dễ dàng tại Hạ viện.
Theo kế hoạch, dự luật sẽ được Tổng thống Macron ký ban hành và chính thức có hiệu lực vào tháng Chín.
[Chính phủ Pháp công bố lộ trình tiến hành các cải cách xã hội]
Dự luật cải cách lao động tập trung vào ba nội dung chính là đảm bảo sự hài hòa giữa các "thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề," "đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động," "đảm bảo mối quan hệ trong công việc" giữa các tác nhân nói trên.
Dự luật cũng bao bồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.
Đây được coi là cải cách lớn đầu tiên mà chính phủ của Tổng thống Macron đưa ra nhằm giảm số người thất nghiệp tại Pháp hiện ở mức gần 3,5 triệu người. Nhà lãnh đạo Pháp cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp được dự báo 9,4% trong năm nay xuống còn 7% tới năm 2022.
Tuy nhiên, dự luật này ngay khi được đưa ra hồi năm ngoái đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Những người phản đối cho rằng dự luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động, theo đó các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động, trong khi quyền lợi của người lao động bị thu hẹp và họ luôn sống trong tình trạng bấp bênh.
Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) đã kêu gọi tiến hành biểu tình trên cả nước vào ngày 12/9. Trong khi đó, các tổ chức công đoàn khác như Liên đoàn Dân chủ lao động Pháp (CFDT) và Sức mạnh công nhân (FO) tuyên bố chưa vội đánh giá dự luật này cho tới khi văn bản cuối cùng được công bố.
Theo giới phân tích, sự ủng hộ hay phản đối của người dân đối với dự luật lao động sẽ là phép thử đối với kế hoạch cải cách của chính quyền của Tổng thống Macron, trong bối cảnh đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của ông chiếm đa số tại Hạ viện, trong khi các đảng bảo thủ và trung hữu kiểm soát Thượng viện Pháp./.