Ngày 13/9, lễ khánh thành cầu Bắc Luân II Việt-Trung đã diễn ra tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, sau khi hai bên Việt Nam-Trung Quốc hoàn tất các thủ tục về thông quan hàng hóa, hành khách tại cầu Bắc Luân II sẽ nâng tầm phát triển kinh tế thương mại giữa hai tỉnh Quảng Ninh-Quảng Tây nói riêng và Việt Nam với Trung Quốc nói chung.
Đặc biệt là chuẩn bị cho việc hình thành Khu hợp tác kinh tế song phương giữa hai bên tại khu vực đầu cầu Bắc Luân II và hơn nữa là kết nối Khu cửa khẩu kinh tế Quốc tế Móng Cái với Khu thí điểm khai phát trọng điểm quốc gia Đông Hưng, cũng như giao thương giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc và khu vực Đông Bắc Á; với hệ thống đường cao tốc phía Việt Nam là Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái đã và đang được đầu tư và với hệ thống đường cao tốc phía Trung Quốc.
Dự án xây dựng cầu Bắc Luân II tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt theo Quyết định số 3325/QĐ-UBND ngày 06/12/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh với mục đích giảm tải lưu lượng giao thông qua cầu Bắc Luân I, thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc; từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đối ngoại, tạo động lực phát triển cho thành phố cửa khẩu Móng Cái.
Chiều dài cầu phía Việt Nam là 154,5m, phía Trung Quốc dài 463,5m, bề rộng 27,7m; thiết kế 4 làn xe chạy. Tổng mức đầu tư dự án 336 tỷ đồng. Cầu Bắc Luân II có kết cấu dạng vòm lớn nhất Việt Nam.
Đến nay, dự án đã cơ bản đã thi công xong phần cầu và phần đường dẫn dài 800m. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở và Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ (do Bộ Giao thông Vận tải thành lập) đã tổ chức kiểm tra và nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Trong những năm qua, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc có tiến triển mới. Việt Nam là đối tác thương mại và du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng năm 2017 đạt 47,21 tỷ USD, tăng 12,36% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 15,62 tỷ USD tăng 14,4%, nhập khẩu đạt 31,59 tỷ USD tăng 11,5%, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 15,97 tỷ USD giảm 3,03% so với cùng kỳ.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam, năm 2016 có 2,7 triệu lượt du khách Trung Quốc đi Việt Nam, tăng 51,4% so với cùng kỳ; 2,2 triệu lượt du khách Việt Nam đi Trung Quốc, đứng đầu trong số các nước ASEAN. Trong 8 tháng qua có hơn 2,65 triệu lượt du khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam, tăng 51,4% so với cùng kỳ./.