“Mối quan hệ giữa quản trị công ty và doanh thu đôi khi không nhìn thấy được. Tuy nhiên, quản trị công ty tốt sẽ là công cụ giúp nhà đầu tư, đối tác kinh doanh nhìn rõ ràng hơn về sự phát triển ổn định cũng như sự tin cậy của một doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở đo lường mức độ an toàn trong hoạt động đầu tư vào trong doanh nghiệp, đây được gọi là bảo vệ nhà đầu tư.”
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản trị Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh vai trò của quan trọng của quản trị công ty trong việc thu hút đầu tư trong, ngoài nước và thúc đẩy tăng trưởng tại các công ty niêm yết trong Hội thảo “Luật doanh nghiệp 2014: Các quy định mới về Quản trị công ty và khả năng áp dụng đối với doanh nghiệp Việt Nam,” ngày 9/6, tại Hà Nội.
Là một trong những nhà soạn thảo chính của Luật Doanh nghiệp 2014, ông Hiếu đã đưa ra những ý kiến đóng góp, lưu ý đối với doanh nghiệp sau một năm Luật chính thức đi vào đời sống, trong đó đề cập đến các tiêu chí lựa chọn loại hình công ty, mô hình quản trị công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật, nghĩa vụ người quản lý hay như sáp nhập, hợp nhất, chia, tách…
Ông Hiếu đặc biệt lưu ý đến hình thức công ty cổ phần với những ưu điểm trong việc thu hút vốn đầu tư, bên cạnh đó là những điểm mới của Luật, như việc hạn chế sở hữu chéo trong các tập đoàn, tính pháp lý bình đẳng về chủ thể giữa công ty mẹ và các công ty con.
Hội thảo đón nhận hơn 300 doanh nghiệp đại diện các công ty niêm yết đến dự, được tổ chức trong hai ngày (tại Hà Nội ngày 9/6 và Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6). Tại đây, các chuyên gia từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Công ty Deloitte Việt Nam, Quỹ đầu tư Dragon Capital và IFC đưa ra những ý kiến, thảo luận về những yêu cầu mới liên quan đến quản trị công ty trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng như việc vận dụng các thông lệ quản trị quốc tế tốt nhất vào mô hình quản trị của các công ty Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhấn mạnh: “Luật Doanh nghiệp mới có nhiều sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho các công ty đại chúng lẫn doanh nghiệp niêm yết vận dụng những thông lệ quản trị công ty tốt nhất trên thế giới, góp phần vào nỗ lực chung của chính phủ nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty.”
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp mới đã có hiệu lực từ tháng 7/2015, các doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp niêm yết được phép thành lập một ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị (hay còn gọi là ủy ban kiểm toán theo thông lệ quốc tế) mà không cần có ban kiểm soát, nếu đáp ứng được một số quy định cụ thể khác theo luật. Đây là lần đầu tiên, Luật Doanh nghiệp đưa ra định nghĩa và vai trò cụ thể của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của công ty.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản trị công ty và vai trò của ủy ban kiểm toán trực thuộc hội đồng quản trị trong việc giám sát tính hiệu quả và tính chính trực của hệ thống kiểm soát nội bộ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh giữa các thị trường trong khu vực ngày càng gia tăng, ông Chris Razook, Giám đốc Tư vấn Quản trị Công ty khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của IFC cho rằng, việc cải thiện quản trị công ty phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt được công nhận sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
“Tăng cường quản trị công ty cũng đồng thời giúp củng cố và phát triển thị trường vốn của Việt Nam và mang lại nhiều lợi ích cho toàn nền kinh tế, ” ông Chris Razook nói./.