Quản lý hướng dẫn viên Trung Quốc “chui” từ đơn vị lữ hành Việt

Đề xuất phương án nhằm kiểm soát tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động “chui,” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, cách duy nhất là quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.
Quản lý hướng dẫn viên Trung Quốc “chui” từ đơn vị lữ hành Việt ảnh 1Bộ đội Biên phòng làm thủ tục nhập cảnh cho du khách Trung Quốc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).

Liên quan đến việc hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc đã xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam khi thuyết minh với khách tại Đà Nẵng, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý cả cá nhân đối tượng vi phạm và đơn vị lữ hành liên quan.

“Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thông báo rõ sự việc với cơ quan quản lý du lịch phía Trung Quốc để có biện pháp xử lý,” Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.

Trao đổi với báo chí sáng nay (1/7) tại Hà Nội, ông Nguyễn Quý Phương nhấn mạnh, việc người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi, theo Điều 32, 33 (Luật Du lịch) quy định, người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (nội địa và quốc tế) phải mang quốc tịch Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.

Trước đó, lãnh đạo Vụ Lữ hành cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận thông tin về việc xuất hiện hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động “chui” ở Đà Nẵng, xuyên tạc về lịch sử Việt Nam khi thuyết minh, sử dụng đồng Nhân dân tệ để mua hàng… “Chúng tôi đã lập tức yêu cầu Sở Du lịch Đà Nẵng xác minh, làm rõ sự việc,” ông Phương cho hay.

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong sáu tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Vũ Thế Bình (Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam), cùng với những lợi ích kinh tế thì điều đó cũng kéo theo nhiều hệ lụy, số lượng người Trung Quốc làm hướng dẫn viên du lịch “chui” ở Việt Nam cũng ngày càng nhiều.

“Các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của Trung Quốc không bao giờ chịu thiệt. Họ sẽ tận thu bằng nhiều cách khác được áp dụng ngay với chính khách du lịch người Trung Quốc,” ông Vũ Thế Bình cho hay.

Phân tích sâu hơn, ông Bình cho biết: “Thông thường, các đơn vị này sẽ đưa khách đi bằng các tour giá rẻ và thu lại bằng việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ăn uống… Cụ thể, họ sẽ mua sẵn một số nhà hàng, khách sạn, cửa hàng để đưa khách vào đó. Vậy, ai là người thu lại cho họ số tiền đã bỏ ra? Đấy chính là hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên phải là người ‘lùa’ khách vào những địa chỉ đó.”

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng chỉ rõ, ban đầu, những người này sẽ “núp” dưới dạng khách du lịch để nhập cảnh. Sau đó, họ sẽ ở lại để làm hướng dẫn viên du lịch “chui.”

Từ đó, đề xuất phương án nhằm kiểm soát tình trạng trên, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, cách duy nhất là quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.

Quản lý hướng dẫn viên Trung Quốc “chui” từ đơn vị lữ hành Việt ảnh 2Khách du lịch đến tham quan và cầu an tại chùa Linh Ứng. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN).

“Các đơn vị lữ hành Việt Nam có khách là người Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về khách của mình, bởi đây là khách đi tour chứ không phải khách tự do. Nếu tour nào để xảy ra vi phạm thì xử lý ngay chính công ty lữ hành của Việt Nam. Chúng ta không thể xử lý được phía Trung Quốc, cùng lắm thì chỉ trục xuất được cá nhân vi phạm. Nhiều nước trên thế giới đều phải làm theo hình thức như vậy,” ông Vũ Thế Bình bày tỏ quan điểm.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng cục trưởng Tổng cụ Du lịch) cho hay, Trung Quốc là thị trường đặc thù. Các quốc gia phát triển du lịch đều quan tâm tới thị trường này.

“Việt Nam cũng nằm trong nhóm đó. Trung Quốc cũng là thị trường lớn của du lịch ​nước ta. Sự gia tăng đột biến của thị trường này ở một số địa phương dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc thường thao túng và can thiệp rất sâu khi đưa khách đến các địa điểm du lịch. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này. Việc xuất hiện hướng dẫn viên bất hợp pháp cũng đã diễn ra không chỉ ở Việt Nam,” ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do ngành du lịch không có lực lượng thanh tra riêng.

“Đây là công việc phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan liên quan trên địa bàn như lực lượng công an, quản lý thị trường…,” lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục