Quản lý di tích: Ai đứng mũi chịu sào?

Quản lý di tích: Lấy ai là người đứng mũi chịu sào?

Để tránh việc “cha chung không ai khóc” trong việc quản lý di tích, nhiều chuyên gia cho rằng phải có người “đứng mũi chịu sào.” 
Quản lý di tích: Lấy ai là người đứng mũi chịu sào? ảnh 1Du khách thăm quan Đại nội Huế. (Ảnh: TTXVN)

Để tránh việc “cha chung không ai khóc” trong việc quản lý di tích, nhiều chuyên gia cho rằng phải có người “đứng mũi chịu sào” và chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần cho họ thêm quyền và có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa đối với những vụ việc xâm hại…

Cha chung, ai khóc?

Tại hội thảo“Kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào sáng 6/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, thừa nhận thời gian vừa qua, mô hình ban quản lý di tích ở các địa phương còn nhiều bất cập. Đó là sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ, chuyên môn.

Theo ông Hùng, có những ban quản lý di tích (trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) được giao quản lý ba đến bốn di tích. Thế nhưng, các di tích này đã được chính quyền cấp huyện trực tiếp quản lý nên vai trò của ban quản lý di tích khá mờ nhạt, không có cán bộ quản lý trực tiếp tại di tích. Điều này dẫn đến sự chồng chéo nhiều năm qua.

Cùng với đó, “việc ứng xử với di sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó nổi cộm là vấn đề nhìn nhận về chủ nhân của di sản văn hóa,” phó giáo sư-tiến sỹ Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) bày tỏ.

Theo ông, nhiều cá nhân làm công tác quản lý di tích đã “lầm tưởng” rằng họ là chủ nhân của di tích mà có những hành xử trái với đạo đức và pháp luật.

Vị chuyên gia này phân tích, di sản văn hóa là tài sản chung mà cha ông để lại cho các thế hệ con cháu. Thế nhưng, tại nhiều di tích, đặc biệt là ở các đình chùa, các sư trụ trì hay những người trông coi ở đó lại mặc nhiên coi đó như là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình. Người ta mặc nhiên phá dỡ, xây mới, vứt bỏ các đồ thờ tự giá trị...

Điển hình, đó là vụ việc xâm hại di sản gây bức xúc trong dư luận gần đây tại chùa Chân Long (Thạch Thất, Hà Nội). Nhà sư trụ trì đã tự ý cho xây dựng một số hạng mục và thay đổi tượng thờ trong di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia mà chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền.

“Đau xót hơn, khi những vụ việc như vậy xảy ra, không có ai chịu trách nhiệm trực tiếp, không có những hình thức xử lý nghiêm khắc mang tính răn đe. Việc giải quyết mới chỉ dừng lại ở các văn bản nhắc nhở, yêu cầu giải trình…” ông Biền bức xúc nói.

“Phải có người chịu trách nhiệm”

Phó giáo sư Trần Lâm Biền cũng đưa ra kiến nghị, trong quản lý di tích, các cơ quan chức năng cần có sự phân cấp rõ ràng và đảm bảo thống nhất từ trên xuống dưới trong quản lý di tích.

Đặc biệt, cần có những đơn vị, cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này, nhằm tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” hay “cha chung không ai khóc” khi các di tích bị xâm phạm.

“Khi cụ thể hóa được những cá nhân, đơn vị như vậy thì cần mở rộng quyền hạn quản lý, xử phạt cho họ. Nếu chúng ta vẫn cứ quản lý theo phương thức hiện nay thì sẽ không thể hạn chế được những vụ xâm phạm di tích,” ông Biền khuyến cáo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng bày tỏ: “Ở những nơi mà cá nhân, đơn vị phải chịu trách nhiệm cụ thể, trực tiếp trong lĩnh vực này (như ở khu di tích Đền Cửa Ông-Quảng Ninh), việc quản lý và phát huy giá trị của di sản đạt hiệu quả tốt hơn rõ rệt những địa phương khác.”

Ở một góc độ khác, ông Tân cũng bày tỏ, thời gian tới, Bộ cần chuẩn hóa lại đội ngũ quản lý di sản cả về chuyên môn và năng lực quản lý.

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chế độ đặc thù dành cho những đối tượng này, để gắn với trách nhiệm của họ,” ông Tân khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục