Qualcomm nộp phạt 1 tỷ USD chấm dứt tranh chấp tại Trung Quốc

Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ đã chấp thuận nộp phạt gần 1 tỷ USD để dàn xếp một vụ kiện chống độc quyền ở Trung Quốc kéo dài suốt hơn một năm qua.
Qualcomm nộp phạt 1 tỷ USD chấm dứt tranh chấp tại Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ đã chấp thuận nộp phạt gần 1 tỷ USD để dàn xếp một vụ kiện chống độc quyền ở Trung Quốc kéo dài suốt hơn một năm qua.

Thông cáo của Qualcomm đưa ra ngày 9/2 cho biết theo thỏa thuận vừa đạt được với Ủy ban Phát triển và cải cách (NDRC) của Trung Quốc, tập đoàn này sẽ điều chỉnh các hoạt động kinh doanh bản quyền công nghệ tại quốc gia châu Á này và sẽ nộp phạt 6.088 tỷ nhân dân tệ (tương đương 975 triệu USD).

Qualcomm đồng ý sửa đổi một số điều khoản như thu phí bản quyền 5% đối với các thiết bị 3G và 5,5% đối với các thiết bị 4G sử dụng các bằng sáng chế của công ty này.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng sẽ cho phép bán các sản phẩm chip mà không kèm theo những điều khoản "bất hợp lý."

Với thỏa thuận đạt được, NDRC cũng sẽ chấm dứt các cuộc điều tra nhằm vào Qualcomm liên quan đến những hành vi vi phạm Luật Chống độc quyền năm 2008 của Trung Quốc.

Phát biểu trước báo giới, Tổng Giám đốc Qualcomm Derek Aberle tỏ ra hài lòng vụ kiện đã chấm dứt, đồng thời tin tưởng hoạt động kinh doanh cấp phép của công ty hiện đã đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ 3G/4G đang gia tăng nhanh chóng tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Qualcomm Steve Mollenkopf khẳng định trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung dồn các nguồn lực trong việc hỗ trợ khách hàng và các đối tác ở Trung Quốc cũng như nắm bắt mọi cơ hội để phát triển.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất điện thoại di động và các thiết bị không dây lớn nhất thế giới, song chính phủ nước này luôn đau đầu phải trả chi phí cao cho bản quyền sáng chế của các công ty công nghệ nước ngoài.

Trong bối cảnh mạng di động băng thông rộng 3G và 4G ở Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh tăng cao, các công ty như Qualcomm kiếm được khoản thu béo bở từ việc bán chip cho các hãng sản xuất điện thoại và bán bản quyền công nghệ kết nối Internet cho các nhà mạng.

Năm 2014, NDRC đã tiến hành điều tra Qualcomm do nghi ngờ công ty này lợi dụng ưu thế trên thị trường để áp giá cao đối với các bằng sáng chế công nghệ.

Ngoài những bê bối ở thị trường Trung Quốc, tập đoàn công nghệ này còn bị Ủy ban châu Âu điều tra về chính sách giảm giá và các khoản ưu đãi tài chính khác trong việc bán chip./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng của Apple ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Apple sẽ xây dựng nhà máy AirTag tại Indonesia

Apple đã chọn Batam - làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất. Theo Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, nhà máy Batam sẽ cung cấp 65% những gì Apple cần để đáp ứng nhu cầu toàn cầu của mình.