Trang mạng theconversation.com mới đây có bài viết nhận định vì sao Phương Tây lại thờ ơ với dự án Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc.
Theo bài viết, Bắc Kinh đang tăng cường chuẩn bị "cuộc tấn công ngoại giao lớn" trong tháng Năm tới khi nước này chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng khoảng 20 nhà lãnh đạo quốc tế đến tham dự một hội nghị thượng đỉnh về việc xây dựng “con đường tơ lụa mới” – dự án Một vành đai, Một con đường, để đưa Trung Quốc tới gần hơn với thế giới.
Dự án này là trung tâm của nỗ lực can dự quốc tế của Bắc Kinh. Dự án liên quan đến khoản đầu tư khổng lồ lên tới 1.000 tỷ USD để chuyển đổi các mối liên kết giao thông và thương mại của Trung Quốc xuyên qua lục địa Á-Âu và khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu của dự án là đưa Trung Quốc trở thành một trụ cột của thương mại toàn cầu và các thị trường tự do, cũng như bảo đảm vị thế siêu cường thế kỷ 21 của Bắc Kinh.
Tuy nhiên cho đến nay, không có nhà lãnh đạo Phương Tây nào xác nhận sẽ tham dự hội nghị trên. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thành công của dự án?
[Kế hoạch “Con đường Tơ lụa” của Trung Quốc gặp nhiều trở ngại]
Liên minh châu Âu (EU) đã im lặng một cách khác thường về dự án Một vành đai, Một con đường, bất chấp tầm quan trọng về kinh tế và địa chính trị rõ rệt của dự án này (kim ngạch thương mại EU-Trung Quốc đạt 593 tỷ USD trong năm 2015) và sự tồn tại của Nền tảng kết nối EU-Trung Quốc (diễn đàn chính sách quan trọng giữa hai bên).
Thái độ của châu Âu có thể được lý giải phần nào do sự kiện Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit; chủ nghĩa dân tộc gia tăng tại một số quốc gia châu Âu; sự tương thích với các quy phạm và tiêu chuẩn lao động của châu Âu; mức độ tham gia vẫn chưa rõ ràng của các công ty Trung Quốc, và sự sao lãng nói chung do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (Eurozone).
Bên cạnh đó, EU cũng dường như không có khả năng đưa ra một tiếng nói thống nhất với Trung Quốc, khi các quốc gia thành viên thường ưu tiên nguyên tắc song phương hay các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng.
Từ quan điểm kinh tế, dự án Một vành đai, Một con đường là một con dao hai lưỡi tiềm tàng. Sự kết nối có thể đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng việc có thêm nhiều hàng hóa Trung Quốc có tính cạnh tranh tràn vào châu Âu là một mối đe dọa tiềm ẩn, trừ khi các thành viên EU có thể phối hợp phản ứng của mình.
Ngoài ra, tăng cường kết nối cũng khuyến khích những kẻ buôn lậu, tội phạm có tổ chức và những kẻ làm hàng giả.
Một số quốc gia Phương Tây khác cũng tỏ ra thờ ơ. Khi New Zealand thông báo tham gia dự án Một vành đai, Một con đường hồi tháng trước, Wellington là một trong số ít quốc gia làm như vậy (cùng với Hungary và Cộng hòa Séc). Australia đã từ chối tham gia, mặc dù Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thăm nước này và New Zealand.
Rõ ràng, Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để thuyết phục thế giới về tính chính đáng sáng kiến lớn này. Các vấn đề chính trị và an ninh có thể vẫn chưa được khắc phục trừ khi Bắc Kinh thuyết phục được các nước xung quanh cũng như các đối thủ quan trọng của mình./.