Sáng nay, 18/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo của các trường đại học đang thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 21/12/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Báo cáo cho thấy, hiện đã có 13 trường được phê duyệt đề án tự chủ. Các trường đều đã chủ động lập kế hoạch, chương trình hành động triển khai và bước đầu thu được các kết quả tốt như bộ máy được kiện toàn, cơ sở vật chất được tăng cường, điều kiện haojc tập và chất lượng đào tạo được cải thiện.
Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm giúp các trường năng động, sáng tạo, đổi mới…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ cũng cho thấy nhiều vấn đề còn vướng mắc trong tự chủ tài chính, tự chủ tuyển sinh…
Nới tiêu chí xác định quy mô đào tạo
Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xác định quy mô đào tạo dựa trên tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu là không hợp lý. Lãnh đạo Đại học RMIT cũng cho biết để đảm bảo yêu cầu về giảng viên của Bộ, trường phải đưa giảng viên từ Úc về.
Trước ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng việc Bộ yêu cầu cao về tỷ lệ giảng viên cơ hữu là do không thể quản được giảng viên thỉnh giảng. “Giáo viên thỉnh giảng là cần thiết vì họ có kiến thức thực tiễn, nhưng nước ta quản giảng viên thỉnh giảng rất khó. Một giảng viên có thể dạy đến 10 trường và nếu cả 10 trường đều tính chỉ tiêu sinh viên cho giảng viên này sẽ khó đảm bảo chất lượng đào tạo,” ông Ga nói.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, nếu chỉ tính số sinh viên trên giảng viên cơ hữu thì tỷ lệ có thể cao hơn, 20 sinh viên/giảng viên, nhưng nếu tính cả giảng viên thỉnh giảng thì số lượng quy định sẽ thấp hơn, chẳng hạn 15 sinh viên/giảng viên. “Số lượng sinh viên vẫn thế nhưng tính theo tỷ lệ giảng viên cơ hữu sẽ quản lý tốt hơn,” ông Ga phân trần.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành giáo dục cũng bày tỏ lo ngại khi được “cởi trói”, các trường sẽ mời thêm nhiều giảng viên thỉnh giảng để tăng quy mô tuyển sinh, nhằm thu nhiều học phí mà không đảm bảo được chất lượng. Trong khi đó, chủ trương của Bộ là nâng cao chất lượng các trường, không tăng quy mô.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi tự chủ, trường sẽ phải đảm bảo chất lượng và Bộ không cần phải lo hộ cho các trường. Việc quy định cứng một số mức trần số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường (có quy mô, năng lực, chất lượng khác nhau) là chưa hợp lý, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Phó Thủ tướng ủng hộ phương án tính thêm lực lượng giảng viên ngoài cơ hữu, có năng lực, trình độ đang làm việc cho trường để xét quy mô tuyển sinh.
Nếu Bộ lo lắng không quản lý được, có thể lập một cổng thông tin chung, trong đó các trường công bố công khai tất cả các giảng viên. Chỉ cần vào trang thông tin đó sẽ biết một giảng viên dạy cho những trường nào, thời lượng giảng dạy bao nhiêu.
Để trấn an Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo nhiều trường cũng cho biết sẽ không tăng quy mô quá 10% trong ba năm tới. Thậm chí Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết trường đang có lộ trình giảm số lượng sinh viên trên giảng viên.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết năm 2016 trường chỉ tuyển 6.000 sinh viên trong khi nếu chiếu theo quy định của Bộ trường có thể tuyển đến 30.000 sinh viên.
“Nếu các trường cam kết về quy mô thì Bộ rất hoan nghênh các trường mời thêm giáo viên thỉnh giảng,” ông Ga nói.
Tự chủ phải đi đôi với giải trình
Phó Thủ tướng khẳng định việc các trường được nâng cao quyền tự chủ sẽ phải đi đôi với trách nhiệm giải trình để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ đã ban hành xong bộ tiêu chí đánh giá và hiện đã có 4 cơ quan kiểm định giáo dục độc lập. Các cơ quan này sẽ tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo của các trường và công bố công khai. Sắp tới sẽ có kết quả kiểm định của 3 trường đầu tiên.
“Tuy nhiên, kiểm định xong có chế tài không? Nếu không đạt thì sao?” Đây là câu hỏi được chính đại diện các tổ chức kiểm định tham gia hội nghị đặt ra. “Cơ quan kiểm định hiện nay đang như hổ không có răng, chỉ có quyền đưa ra kết luận nhưng không có quyền xử phạt,” vị đại diện này cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thực tế này sẽ khiến cho việc kiểm định không thể đạt kết quả mong đợi. Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản có cơ chế xử lý các trường không đạt chất lượng kiểm định theo đúng các đề xuất khuyến cáo của các đơn vị kiểm định.
“Đây là vấn đề quan trọng. Bộ phải khẳng định ủng hộ các khuyến cáo thì kiểm định mới làm nghiêm túc được,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với tiến độ kiểm định khá chậm trong khi Việt Nam có đến hơn 400 trường đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản bắt buộc các trường phải tự đánh giá theo bộ các tiêu chí kiểm định của Bộ và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của trường. Bộ phải thống kê trong ít nhất 3 năm gần nhất về số lượng tuyển sinh, điểm tuyển sinh của các trường, công khai thông tin. Bộ có thể làm cổng thông tin chung để người dân có thể tra cứu tất cả các thông tin của các trường, thậm chí của cả các giảng viên.
“Điều này sẽ giúp người dân có cơ sở để đánh giá. Đề nghị Bộ làm sớm,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng thống nhất với đề nghị các trường đại hoc tự chủ được hướng các ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành, theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để lại đầu tư phát triển cơ sở đó thi được miễn thuế thu nhập.
Các trường vẫn có cơ hội được tiếp cận các nguồn vay ODA, nguồn ưu đãi khác. Tuy nhiên, trên tinh thần tự chủ, các trường cần nỗ lực, cố gắng, tự vận động tìm kiếm các nguồn xã hội hóa khác thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước khi chưa tự chủ./.