Cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vào ngày 11/6 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận sau khi người dân “đất nước hình lục lăng” bất ngờ chọn một tổng thống trẻ nhất trong lịch sử, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, với quan điểm cởi mở và nhiều ý tưởng cải cách.
Liệu vị chuyên gia kinh tế năng động có vượt qua được cuộc “sát hạch” vào cuối tuần này để rộng đường “tiến bước” với các cam kết tranh cử đầy tham vọng của mình?
Đây sẽ là “phép thử” quan trọng đầu tiên đối với ông chủ mới của Điện Elysee và cũng là bài toán quyết định tương lai chính trị của nước Pháp và toàn châu Âu.
Hai vòng bầu cử hạ viện lần này là cuộc chạy đua chưa từng có tiền lệ trên chính trường Pháp, bởi trước đây, cử tri Pháp thường dành lá phiếu cho chính đảng của tổng thống đắc cử để tạo điều kiện cho chính quyền thực hiện các cam kết tranh cử.
Tuy nhiên, mùa bầu cử năm 2017 đang diễn ra không theo tiêu chuẩn thông thường, khi hai đảng phái chính trị từng lãnh đạo nước Pháp trong nhiều thập kỷ qua bất ngờ thất bại ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống.
Trong khi đó, đảng “Nền Cộng hòa Tiến bước” (REM) của đương kim Tổng thống Macron chỉ vừa mới được thành lập cách đây một năm và chưa có ghế nào trong quốc hội hiện nay, tất nhiên cũng chưa có đóng góp gì cho nền chính trị Pháp.
Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, ông Macron đã tập trung nhấn mạnh vào giá trị của cải tổ chính trị với những gương mặt mới và quyết tâm thực hiện các chính sách mới mà ông đã cam kết.
[Bầu cử Pháp: Ông Macron thắng vang dội, bà Le Pen thừa nhận thất bại]
Bên cạnh đó, bằng việc bổ nhiệm ông Edouard Phillipe, một chính trị gia cánh hữu, làm Thủ tướng, ông Macron đang nỗ lực lôi kéo một bộ phận các thành viên của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) nhằm đảm bảo đa số tại Hạ viện.
Ngoài REM, các đảng phái chính trị khác cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi nội bộ cánh tả và cánh hữu đều "tan tác" trước kỳ bầu cử này.
Với việc ông Philippe được bổ nhiệm vào Điện Matignon, các quan chức của đảng LR đã dự báo một "vụ ly dị" dẫn tới khả năng hình thành hai nhóm nghị sỹ của đảng LR tại hạ viện sau bầu cử.
Để thực hiện chiến dịch chống lại Tổng thống Macron, đảng LR đưa ra một chương trình với lời hứa cắt giảm thuế.
Trong khi đó, sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, nội bộ đảng Mặt trận Quốc gia (FN) bắt đầu quay ra "tính sổ" với nhau, tiền đề của một kịch bản chia rẽ.
Cánh tả cũng không khả quan hơn. Đảng Xã hội (PS) mà ông Macron là cựu thành viên đang bị chia rẽ sâu sắc giữa những người ủng hộ ông và những người ủng hộ ứng cử viên Benoit Hammon.
LR và PS là những bên bị tổn thương nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và đang bấu víu vào hy vọng mong manh trong các cuộc bầu cử Hạ viện tới.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo cánh tả lo ngại sự khác biệt chiến lược hiện nay có nguy cơ dẫn đến việc các đảng có khuynh hướng thiên tả như PS, đảng Nước Pháp bất khuất (UF), đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh sẽ chỉ chia nhau những chiếc ghế cuối cùng trong hạ viện.
Số lượng ứng cử viên (hơn 7.800 người) và số ghế trong hạ viện (577 ghế) chênh lệch quá lớn, khiến việc dự đoán trở nên rất khó khăn.
Hơn nữa, khác với cuộc bầu cử tổng thống, không chỉ hai người về đầu sau vòng 1 được tiến vào vòng 2, mà bất kỳ ứng cử viên nào giành được hơn 12,5% số phiếu ủng hộ sẽ được đi tiếp.
Điều đó đồng nghĩa với kịch bản một “cuộc đua tam mã” giữa các ứng cử viên của 3 đảng sẽ trở nên phổ biến tại các đơn vị bầu cử trong vòng hai.
Tuy nhiên, nếu tin vào các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, cuộc bỏ phiếu tới sẽ thay đổi bộ mặt của Hạ viện Pháp khi đảng của ông Macron đang có động lực rất lớn.
Cuộc thăm dò ý kiến hàng tuần do OpinonWay công bố ngày 7/6 dự đoán REM có thể giành được 335-355 trên tổng số 577 ghế, trong khi đa số tại hạ viện chỉ cần 289 ghế.
Tin mừng mới nhất là REM đã chiến thắng tại hầu hết 11 khu vực bầu cử ở nước ngoài ngay trong vòng bỏ phiếu thứ nhất.
Trong khi đó, đối thủ đáng gờm LR có thể giành được 145-165 ghế, còn PS thậm chí sẽ thất bại nặng nề hơn rất nhiều, chỉ còn 20-35 ghế trong cuộc bỏ phiếu tới.
Còn FN, sau khi bà Marine Le Pen thua trong cuộc bầu cử tổng thống, được dự báo có thể chỉ nhận được từ 5-22 ghế.
Cuộc bầu cử lập pháp sắp tới được ví như một cuộc bầu cử tổng thống vòng 3, bởi nó giống như đợt sát hạch cuối cùng đối với ông Macron sau khi đã vượt qua 2 vòng bỏ phiếu để bước vào Điện Elysee.
Các chuyên gia cho rằng đa số cử tri đã chọn ông Macron là nhằm ngăn bà Le Pen lên nắm quyền, chứ không hẳn là vì họ thực sự đón chào vị chuyên gia kinh tế trẻ tuổi này.
Trong cuộc bầu cử tới, ông Macron cần phải giành được đa số vững chắc tại hạ viện mới mong thúc đẩy cương lĩnh đầy tham vọng mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống, bao gồm kế hoạch hiện đại hóa quản lý hành chính công, cải cách thị trường lao động, cải cách thuế khóa, xây dựng lại châu Âu thông qua hội nhập sâu rộng hơn...
Nếu thiếu một bộ máy đảng vận hành hiệu quả và sự đảm bảo đa số tại Hạ viện, Tổng thống Macron sẽ rơi vào thế kẹt: ông phải thúc đẩy các chính sách thân thiện với châu Âu ở một quốc gia mà hầu hết cử tri nhìn nhận EU một cách không thiện chí và nhiều người đã chuyển sang ủng hộ cánh cựu hữu hoặc cực tả vì lo ngại về những tác động của toàn cầu hóa.
Bà Le Pen, người cáo buộc Đức “lạm dụng” phần còn lại của châu Âu, và ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon của đảng UF, người gọi các chính sách kinh tế của Đức là “chất độc,” đã thu hút sự ủng hộ của các cử tri muốn nước Pháp từ bỏ EU và NATO và cắt đứt quan hệ với Berlin.
Bởi vậy, ông Macron đã đưa ra lời kêu gọi: “Tôi sẽ đưa chúng ta lại gần nhau và hòa giải dân tộc bởi tôi muốn người dân Pháp đoàn kết lại.”
Với tuyên bố này, tân Tổng thống đang hướng tới việc định hình lại nền chính trị Pháp bằng cách phá bỏ mọi ranh giới đảng phái trong quốc hội.
Sau hơn nửa tháng nhậm chức và vượt qua những bài “trắc nghiệm” ngoại giao đầu tiên trên trường quốc tế, ông Macron sắp phải đối mặt với một thử thách quan trọng trong nước.
Các cuộc bỏ phiếu tới sẽ tạo điều kiện cho ông “tiến bước” hay sẽ đặt ra những rào cản khó vượt qua trên nghị trường, câu trả lời tùy thuộc vào quyết định của cử tri./.