Phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị MRC

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị MRC

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị MRC ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng:

 

Thưa Ngài Samdec Hunsen, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia
Thưa Ngài Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Thưa các Quý vị Trưởng đoàn đại biểu Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Liên bang Myanmar.
Thưa các vị khách quý,

 

Trước hết, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Lãnh đạo các nước thành viên Ủy hội, các nước đối tác đối thoại và đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đến tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế.

 

Hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mekong thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010, thảo luận các cơ hội, thách thức hiện nay và đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển của Ủy hội trong giai đoạn 2016-2020. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định hợp tác Mekong và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 1995. Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Lưu vực sông Mekong”, Hội nghị sẽ góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, nhất là khi chúng ta đang hưởng ứng Ngày nước thế giới năm 2014 với chủ đề Nước và Năng lượng.

 

Tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội trong việc phối hợp tổ chức thành công Hội nghị quốc tế với chủ đề “Hợp tác về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực ở các lưu vực xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Sự tham gia đông đảo của hơn 300 đại biểu cùng nhiều đề xuất, ý kiến đóng góp tại Hội nghị quốc tế đã thể hiện sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế và tiềm năng hợp tác rộng lớn đối với việc sử dụng và phát triển bền vững các dòng sông xuyên biên giới, trong đó có sông Mekong.

 

Thưa các Quý vị,
 

Có thể nói chưa bao giờ Lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có nhu cầu năng lượng và lương thực đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan và môi trường sinh thái trong lưu vực sông.

 

Lưu vực sông Mekong đã trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mekong tại trạm Chiềng Sen, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua. Ở Lào, sông Mekong đoạn chảy qua Thủ đô Viên Chăn mười năm qua khô hạn đến mức người ta có thể lội qua sông trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Phờ-ray-a vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây ra thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền trong năm 2011. Ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc tỉnh An Giang và là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây. Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo số liệu tính toán cho các kịch bản về biến đổi khí hậu, khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì trong vòng 100 năm tới nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao 01 mét, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số của Việt Nam.

 

Để ứng phó với những thách thức đó, bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia, chúng ta cần tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt giữa các quốc gia ven sông, cả ở thượng nguồn và hạ nguồn, thông qua những cơ chế đa phương, cơ chế tiểu vùng như Ủy hội sông Mekong quốc tế.

 

Thưa các Quý vị,

 

Sau gần 20 năm thành lập và phát triển trên nền tảng của Hiệp định Mekong năm 1995, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã không ngừng phát triển và đạt được những thành quả quan trọng, trong đó có việc xây dựng những nguyên tắc cơ bản và tầm nhìn chiến lược về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong. Chúng tôi hoan nghênh những kết quả tích cực trong việc thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010, Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2011- 2015 của Ủy hội, Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước. Nhờ nỗ lực của các thành viên, đến nay đã có 78 trong tổng số 130 hoạt động của Kế hoạch hành động vùng đã được triển khai thực hiện, trong đó hơn 30% đã hoàn thành.

 

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã nêu tại Hội nghị quốc tế vừa diễn ra, chúng ta có thể và cần nỗ lực hơn nữa để tranh thủ những cơ hội hợp tác đồng thời cùng nhau vượt qua những thách thức cam go này. Xuất phát từ nhận thức đó, Lãnh đạo Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội đã xem xét thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh của Hội nghị lần này nhằm tiếp tục khẳng định các cam kết đã nêu tại Hủa Hỉn và đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong giai đoạn quan trọng sắp tới.

 

Thưa các Quý vị,
 

Là một thành viên có trách nhiệm đồng thời là nước ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước ven sông đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực. Nhằm phát huy vai trò của Ủy hội vì lợi ích chung của cả khu vực, tôi đề nghị chúng ta cần ưu tiên thúc đẩy thêm một số điểm sau:

 

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 cũng như các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước, trong đó có Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong Lưu vực sông Mekong.

 

Thứ hai, cập nhật và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Nguyên tắc Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động của quốc gia và vùng. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016-2020, cân nhắc áp dụng cách tiếp cận mới về mối liên kết nước-năng lượng-lương thực trong quy hoạch phát triển lưu vực với tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực.

 

Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo của Ủy hội, trong đó tập trung và ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành Nghiên cứu chung của về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính.

 

Thứ tư, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện cam kết của các nước thành viên về hợp tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chung sông Mekong vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước.

 

Thứ năm, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa Ủy hội và các nước đối tác, khuyến khích sự tham gia và tham vấn giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì sự phát triển bền vững của lưu vực.

 

Cùng các thành viên khác của Ủy hội, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Trung Quốc và Mi-an-ma - hai nước Đối tác đối thoại của Ủy hội, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới.

 

Thưa các Quý vị,

 

Là một đất nước có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với văn minh lúa nước, sông Mekong có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực. Đồng bằng Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 là nơi sinh sống của gần 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Đồng bằng Cửu Long hiện cũng đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng phát triển các công trình ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân trong khu vực.

 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu thổ sông Mekong cũng như việc ứng phó với các thách thức an ninh nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu nói chung. Song song với việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 cùng nhiều chương trình hành động cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã cam kết cùng tham gia nghiên cứu này và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để Nghiên cứu sớm có kết quả vào cuối năm 2015 như kế hoạch đề ra.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục để gia nhập Công ước Liên hợp quốc năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy, nhằm góp phần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý khu vực và quốc tế đảm bảo việc quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên nước tại các con sông quốc tế một cách bền vững, công bằng và hợp lý.

 

Thưa các Quý vị,
 

Trải qua nhiều thế hệ với những thăng trầm của lịch sử, con sông Mekong vẫn mãi là cầu nối của tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước ven sông. Ngày nay, không chỉ góp phần vào việc đảm bảo cuộc sống của hơn 60 triệu người dân sống trong lưu vực, sông Mekong còn mang trong mình những tiềm năng to lớn về hợp tác văn hóa, du lịch, kinh tế giữa nhân dân các nước trong khu vực.

 

Để con sông mãi mãi là tài sản chung vô giá của các thế hệ hôm nay và mai sau, tôi tin tưởng rằng, thông qua hợp tác, đối thoại “trên tinh thần hợp tác Mekong”, chúng ta sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường.

 

Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mekong quốc tế.

 

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Chúc Quý vị dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
Xin chân thành cảm ơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục