Theo The Philippine Star, nhân dịp tròn một năm Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (12/7/2016), chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh khu vực thuộc Viện Stratbase Albert Del Rosario, giáo sư Renato Cruz De Castro cho rằng phán quyết này đã làm xói mòn sự biện minh pháp lý đơn độc của Trung Quốc.
Theo tác giả, tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài có thể được ai đó xem như là một phần của cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên, bằng việc làm rõ những quyền lợi hàng hải của Biển Đông, tuyên bố chủ quyền biển mang tính bành trướng của Bắc Kinh đã bị phơi bày trước dư luận và đánh giá của cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp và sự hiểu biết (về pháp luật của Trung Quốc).
Điều này đã có tác dụng trong việc làm suy yếu tính hợp pháp của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng thực tế và làm hé lộ ý định chiến lược biển 4 gọng kìm của Bắc Kinh, đó là: Làm xói mòn ưu thế vượt trội của sức mạnh Mỹ ở khu vực; làm suy yếu sự tin cậy của các cam kết an ninh của Washington ở Đông Á; gieo bất đồng giữa các nước ASEAN và các đối tác khu vực; gây sức ép đối với các quốc gia khu vực quan tâm để chấp nhận “các lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.
Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 cũng ra thông cáo chung kêu gọi thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
[Philippines: Tranh chấp với Trung Quốc có thể không được giải quyết]
Trong thông cáo, các Ngoại trưởng G7 nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ về việc xây dựng các tiền đồn quân sự mới tại các vùng biển tranh chấp cũng như việc đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
G7 xem phán quyết hôm 12/7/2016 của Tòa Trọng tài theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển là căn cứ hữu ích cho các nỗ lực sau này để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa./.