Khẳng định sẽ tham vấn cho Kiểm toán Nhà nước trong kế hoạch phát triển sắp tới, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc xây dựng được cơ sở chung để theo dõi hiệu quả hoạt động của ngành kiểm toán nên là một trong điều quan trọng hàng đầu.
Nói thêm về ý kiến này tại hội thảo "Các giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017" vừa tổ chức ngày 14/8 ở Hà Nội, ông Chritopher Fabling, Trưởng ban quản lý tài chính Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh việc xây dựng ra khung quản lý cho hoạt động kiểm toán.
Vấn đề này theo ông, ngành kiểm toán Việt Nam vẫn đang thực hiện nhưng vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng, phía Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần phải xác định mục tiêu nào là sát với thực tiễn của ngành nhất để từ đó có những cơ sở đo lường hiệu quả hoạt động từng thời kỳ. Điều này cũng giúp những đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới tham vấn thực sự hiệu quả.
"Điểm quan trọng nhất là làm sao ta có cơ sở chung để lượng hoá, để theo dõi chất lượng hoạt động của chính ngành kiểm toán," đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Vấn đề chất lượng kiểm toán trên cũng được ông Hoàng Phú Thọ, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nhắc tới với những hạn chế mà theo ông đã tồn tại khá lâu.
Theo ông, trong những năm qua, ngành kiểm toán chưa có các quy định, tài liệu hướng dẫn cho hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu một cách đầy đủ, phù hợp và khả thi.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước nhận định, đây là nguyên nhân dẫn tới trong nhiều cuộc kiểm toán, việc chọn mẫu kiểm toán còn dàn trải, thiếu trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán còn chung chung, chưa tập trung được vào những vấn đề chủ yếu.
Việc tiếp thu, vận dụng những chuẩn mực kiểm toán quốc tế cũng được ông Hoàng Phú Thọ nhắc tới nhưng theo ông, vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn.
"Nội dung chuẩn mực quốc tế có nhiều vấn đề mới, có những điểm khác biệt so với điều kiện hoạt động kiểm toán hiện của Kiểm toán Nhà nước. Năng lực của đội ngũ kiểm toán viên còn khoảng cách so với yêu cầu thực hiện của chuẩn mực," đại diện Kiểm toán Nhà nước chỉ ra thực tế.
Từ đó, ông Hoàng Phú Thọ đưa ra giải pháp cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các chuẩn mực kiểm toán với các hình thức như đào tạo lý thuyết, thực hành,... Đặc biệt, ông cho rằng, việc đánh giá kết quả đào tạo cần được coi trọng qua công tác kiểm tra. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước có thể tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện các chuẩn mực đã ban hành.
Ngoài ra, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, ngành kiểm toán cần tổ chức thêm khảo sát về phương pháp kiểm toán tại một số cơ quan kiểm toán nước ngoài và công ty kiểm toán độc lập để từ đó có cơ sở vận dụng vào thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Đưa ra thêm giải pháp, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần ngành kiểm toán cần rà soát lại các mục đích, xác định lại các ưu tiên trong từng mục tiêu, dự án cụ thể để bố trí nguồn lực hiệu quả cho từng năm.
Đây cũng là vấn đề được ông Chritopher Fabling, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhắc tới. Cũng theo ông, ngành kiểm toán cần có thêm sáng kiến để thực hiện thêm các hoạt động kiểm toán khác hiệu quả hơn thay vì kiểm toán báo cáo tài chính như thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề này theo ông cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và lực lượng cán bộ phù hợp chuyên môn để bảo đảm chất lượng kiểm toán thời gian tới./.