Ông Trần Hồng Hà: “Đổi đất lấy cầu, cần tính toán đừng để bị lợi dụng"

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu chủ trương đổi đất lấy hạ tầng được triển khai, Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và chắc chắn đất ở đây sẽ tăng giá lên cấp số nhân.
Ông Trần Hồng Hà: “Đổi đất lấy cầu, cần tính toán đừng để bị lợi dụng" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/9, trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước việc Hà Nội dự kiến thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng “đây là chủ trương đúng đắn.”

[Infographics] 6 cầu mới Hà Nội đề xuất xây dựng nằm ở đâu?

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu chủ trương trên thực hiện đúng quy trình, Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và chắc chắn đất ở đây sẽ tăng giá lên cấp số nhân.

“Tất nhiên trong việc này phải tính toán hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện này nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất. Vì thế, cần phải tính toán đừng để bị lợi dụng,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ còn gặp khó khăn thì việc huy động được hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) như “đổi đất lấy cầu” sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.

“4 cây cầu sẽ tạo ra vùng phát triển mới. Như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Vì thế, tôi cho rằng việc đây là chủ trương đúng đắn,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

[Hà Nội: Gần 100 tỷ đồng đục thông 127 vòm cầu đường sắt trăm tuổi]

Ông Trần Hồng Hà: “Đổi đất lấy cầu, cần tính toán đừng để bị lợi dụng" ảnh 2Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Góp thêm tiếng nói, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cũng khẳng định hình thức đầu tư BT rất tốt khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có nhiều hạn chế. Vì thế, việc “đổi đất lấy hạ tầng” sẽ đóng góp được nhiều cho sự phát triển.

“Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay có vấn đề ở chỗ, ngày hôm nay mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải hòm hòm cho nhà đầu tư biết người ta sẽ được bao nhiêu đất, nhưng phải tới khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được.”

“Đây là cái đang vướng, bởi nhà đầu tư luôn muốn biết sẽ được bao nhiêu đất. Luật Đất đai thì lại quy định khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá,” ông Chính nói thêm.

[Cần thận trọng với việc xây công trình cao 40-70 tầng ở ga Hà Nội]

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ đã nhận được văn bản xin ý kiến góp ý của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về quy hoạch xây dựng lại khu vực ga Hà Nội với các công trình cao từ 40-70 tầng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Bộ sẽ quan tâm tới góc độ sử dụng đất tại đây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, đến nay “chưa thấy quy hoạch gì khác” tại khu vực ga Hà Nội.

“Do chưa có quy hoạch đất đai tại đây nên khi được Hà Nội xin ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dựa vào quy hoạch cụ thể về giao thông, môi trường, đất đai,… để nêu quan điểm,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục