Ngày 7/5, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên tiếng chúc mừng ông Emmanuel Macron, người vừa chiến thắng trước đối thủ Marine Le Pen trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra cùng ngày.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump chúc mừng ông Macron đã giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế chủ nhân Điện Elysee.
Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ mong chờ được làm việc với vị tổng thống mới của nước Pháp.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác gần gũi với Chính phủ Pháp.
[Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron: Nước Pháp đã chiến thắng]
Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Paul Ryan cũng đã chúc mừng ông Macron, đồng thời bày tỏ sự mong chờ được làm việc với nhà lãnh đạo mới của Pháp để xây dựng mối quan hệ vững chãi giữa Washington và Paris.
Bà Hilarry Clinton mạnh mẽ khẳng định chiến thắng của ông Macron cũng chính là chiến thắng của Liên minh châu Âu (EU) và thế giới.
Theo phóng TTXVN tại Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 7/5 đã ra tuyên bố chúc mừng ông Macron được bầu làm tổng thống kế nhiệm của nước Pháp.
Tuyên bố nhấn mạnh Canada và Pháp có quan hệ lịch sử nồng ấm, kết nối văn hóa sâu đậm, giao lưu nhân dân và quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ.
Hai bên luôn hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế quan trọng và là đồng minh, đối tác mạnh của nhau NATO, G7, G20 và La Francophonie.
Nhà lãnh đạo Canada bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng thống đắc cử Macron về một nghị trình tiến bộ nhằm thúc đẩy an ninh quốc tế, tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ, tạo công ăn việc làm và thực hiện Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) Canada-EU.
Cùng ngày, lãnh đạo nhiều nước châu Âu (như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland, Thụy Điển...) và Brazil cũng đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Macron.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspiras khẳng định chiến thắng của ông Macron là "niềm hứng khởi của Pháp và cả châu Âu."
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng chiến thắng của ông Macron là chiến thắng vì người dân Pháp và vì sự hợp tác của châu Âu.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Pháp, kết quả kiểm phiếu sơ bộ mới nhất công bố sáng sớm 8/5 theo giờ Pháp cho thấy ông Macron giành được 66,06% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen nhận được 33,94%.
Ở tuổi 39, ông Macron trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Mặc dù tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia (ENA) danh giá của Pháp và có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng ông Macron chưa từng ra tranh cử cho bất kỳ vị trí nào trong chính quyền các cấp.
Cách đây 3 năm, ông vẫn hoàn toàn vô danh trên chính trường nước Pháp.
Năm 2012, ông được Tổng thống Pháp François Hollande bổ nhiệm làm Phó giám đốc Văn phòng Tổng thống Pháp, phụ trách chính sách kinh tế.
Vào tháng 6/2014, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số sau khi Bộ trưởng khi đó là ông Arnaud Montebourg từ chức.
Trong quãng thời gian nắm quyền 2 năm, Bộ trưởng Macron đã để lại nhiều dấu ấn, nổi bật là chính sách kinh tế với việc Luật Macron về cải cách kinh tế và hoạt động thương mại được thông qua.
Ông theo đuổi đường lối kinh tế tự do, chủ trương tiến hành các cải cách sâu rộng nhằm vực dậy nền kinh tế Pháp.
Ông có quan điểm cởi mở với người nhập cư, ủng hộ hội nhập châu Âu, củng cố trục Pháp-Đức và duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Giống như một luồng gió mới, ông đem đến cơ hội đổi mới nền chính trị và đồng thời chấn hưng nền kinh tế Pháp.
Trong bối cảnh nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) và nhà tỷ phú Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" hồi tháng 11/2016, chính vì vậy, chiến thắng của ông Macron cũng là tin vui cho châu Âu.
Vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp cũng ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Vào 17 giờ cùng ngày, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 65,30%./.