Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố số liệu thống kê sơ bộ cho thấy số tiền các quốc gia phát triển trợ giúp các nước nghèo nhất trên thế giới đã giảm 16% trong năm 2014.
Theo OECD, tuy tổng số tiền trợ giúp từ các nước phát triển cho những nước nghèo nhìn chung vẫn ổn định, với khoảng 135 tỷ USD trong năm ngoái, song phần dành cho các nước nghèo nhất chỉ còn 25 tỷ USD.
Các Tổ chức phi chính phủ (NGO) đã bày tỏ quan ngại khi nhiều quốc gia phát triển cắt giảm phần đóng góp của họ trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng và rất nhiều thảm họa do môi trường hay xung đột vũ trang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của các nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất.
Trong số 28 nước thuộc Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) của OECD, có năm quốc gia, gồm Đan Mạch, Luxembourg, Na Uy, Anh và Thụy Điển vượt mục tiêu đóng góp do Liên hợp quốc đề ra, với mức đóng góp 0,7% tổng thu nhập quốc gia (GNI) cho quỹ trợ giúp phát triển. 13 quốc gia khác có tỷ lệ đóng góp tăng mạnh, đặc biệt là Đức với 14,4%, Phần Lan (12,5%), Thụy Điển (9,9%), Thụy Sĩ (9,7%). Mỹ vẫn là nhà tài trợ hàng đầu với 33,6 tỷ USD trong năm 2014, tăng 2,2%.
Tuy nhiên, phần đóng góp của 13 nước còn lại trong DAC lại giảm xuống, Nhật Bản giảm 26%, Tây Ban Nha giảm 18,3%, Bồ Đào Nha giảm 13%, Canada giảm 10,5%. Đặc biệt, phần đóng góp của Pháp đã giảm 5,1%.
Người phụ trách Tổ chức phát triển toàn cầu Oxfam tại Pháp Christian Reboul đã chỉ trích việc "thiếu quyết tâm chính trị" của Pháp trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng tăng cao trên thế giới, nhiều thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu xảy ra, các xung đột vũ trang bùng nổ tại nhiều nước.
Tổng Thư ký của OECD Angel Gurria tuyên bố nhiệm vụ quan trọng đặt ra với tổ chức này từ năm 2015 phải đưa được phần lớn số tiền trợ giúp phát triển đến với các quốc gia có nhu cầu nhất./.