Sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2006 là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nỗ lực gìn giữ loại hình văn hóa phi vật thể này của người Bahnar và J'rai theo tinh thần Công ước 2003 (Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể).
Số lượng bộ cồng chiêng của người Bahnar và J'rai ở các buôn làng ngày càng tăng nhiều hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng cồng chiêng trong các ngày lễ hội của cồng đồng.
Từ năm 2004, toàn tỉnh chỉ còn 5.126 bộ cồng chiêng với khoảng 79.000 chiếc và nay đã tăng lên hơn 5.600 bộ, trong đó có rất nhiều bộ chiêng cổ có giá trị. Có những vùng còn lưu giữ nhiều cồng chiêng như huyện Ia Grai có 89 buôn làng người J'rai thì có đến hơn 1.000 bộ, bình quân mỗi buôn làng có từ 10-12 bộ cồng chiêng.
Riêng xã Ia O còn lưu giữ nhiều nhất với hơn 500 bộ, trong đó có tới 300 bộ thuộc dạng cồng chiêng cổ quý có giá trị. Các buôn làng người Bahnar ở huyện K'Bang cũng còn lưu giữ được hơn 900 bộ...
Tuy nhiên, số lượng cồng chiêng hiện có trên địa bàn được phân bổ không đều trong cộng đồng người Bahnar và Jrai, nơi nhiều - nơi ít, thậm chí có những vùng có nguy cơ biến mất.
Năm 2006, tỉnh đã đầu tư 200 triệu đồng để mua thêm các bộ cồng chiêng mới trang bị cho các buôn làng không còn cồng chiêng và giao cho cộng đồng làng quản lý. Tỉnh còn mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân lớn tuổi. Một số huyện mở hội thi chỉnh chiêng trong cộng đồng, nhằm bảo tồn giá trị những bộ cồng chiêng bằng những âm thanh hay và chuẩn, có độ vang xa.
Những lớp đánh chiêng cũng được truyền dạy cho học sinh dân tộc trong các trường học, nhất là trong các trường học nội trú-bán trú. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mang Yang đã thành lập được đội cồng chiêng với hơn 20 em sử dụng thông thạo một số bộ chiêng và đại diện cho các trường học tham gia các cuộc liên hoan trong và ngoài tỉnh.
Cấp huyện và cấp xã cũng đã tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng theo định kỳ 2 năm 1 lần, thu hút tất cả các đội cồng chiêng ở nhiều lứa tuổi trên địa bàn cùng tham gia.
Đặc biệt có 2 cuộc liên hoan cồng chiêng có quy mô lớn là Liên hoan cồng chiêng các huyện phía Đông của tỉnh được tổ chức tại làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện K'Bang) vào tháng 9/2011, với sự tham gia của 10 đội cồng chiêng và 400 nghệ nhân.
Liên hoan cồng chiêng thanh-thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại Công viên Đồng Xanh (thành phố Pleiku) vào năm 2011 với sự tham gia của hơn 500 thanh - thiếu nhi dân tộc của 15 đội cồng chiêng ở các huyện.
Những hoạt động lớn hơn nữa là tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức những hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá các di sản như: "Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ nhất" vào năm 2007 tại thành phố Pleiku, với sự tham gia của 71 nghệ nhân chỉnh chiêng của 11 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại tỉnh Gia Lai thu hút sự tham gia của 60 đoàn cồng chiêng đến từ các tỉnh trong nước và 6 quốc gia trong khu vực.
Vào thời điểm những tháng đầu năm 2014 này, tỉnh cũng đã hưởng ứng mạnh "Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên" và đã tổ chức thành công các lễ hội, các tour du lịch sinh thái gắn liền với cồng chiêng của người Bahnar và J'rai.
Theo ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đây là những kết quả đáng mừng song cũng chỉ là bước đi ban đầu trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của người Bahnar và J'rai trên địa bàn.
Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, ngành đang cùng với các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh nghiên cứu và tăng cường hơn nữa các hoạt động phù hợp, nhằm tiến tới bảo vệ bền vững các loại hình di sản văn hoá phi vật thể này./.