Những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý tới

Dù chỉ số tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% nhưng các kết quả về thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh... sẽ là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những quý tới.
Những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý tới ảnh 1Đàn cá nuôi sinh trưởng tốt. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Kết thúc quý một, mặc dù chỉ số tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% không như mong muốn và thấp hơn các năm gần đây nhưng các kết quả về thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, chính sách điều hành tiền tệ ổn định... sẽ là những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những quý tới.

Nhận diện khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng 5,1%, GDP quý một đã tăng so với quý một các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng hơn 6% của cùng kỳ năm 2015 và gần 5,5% của cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, ngành chế biến, chế tạo và ngành xây dựng có mức tăng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng hơn 4%, là mức tăng thấp nhất trong năm năm gần đây.

Phân tích rõ hơn, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, cho biết quý một, ngành công nghiệp tăng trưởng thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, lĩnh vực chế biến thực phẩm chỉ đạt 4,4% nhưng cùng kỳ năm ngoái là 8,6%; sản xuất điện tử tăng trưởng âm, trong khi quý 1/2016 tăng trưởng 11%.

Một nguyên nhân khác dẫn tới GDP quý một tăng chậm do Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; trong đó mục tiêu tăng trưởng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên đã có sự điều chỉnh và từ đó có sự tác động, điều chỉnh đến ngành khai khoáng. Đây là lý do vì sao ngành khai khoáng tăng trưởng thấp, chỉ đạt 90% so với quý 1/2016.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, tốc độ tăng trưởng trong quý một là quý thứ ba liên tiếp có sự sụt giảm sau chuỗi bốn năm. Đây có thể nói là dấu hiệu cần cảnh báo ngay và cần có những giải pháp mạnh mẽ để đảm bảo mức tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm nay sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Với kế hoạch tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm nay nền kinh tế phải có sự bứt phá trong các quý còn lại.

Những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý tới ảnh 2Bốc xếp gỗ dăm tại cảng Dung Quất. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Những điểm sáng

Sự bứt phá mà Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận thực tế đã có “nền móng” từ những điểm sáng trong 1/4 chặng đường đã đi qua. Trong ba tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 3% trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1,5%. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Xuất khẩu đạt gần 44 tỷ USD, tăng gần 13%. Mặc dù thâm hụt thương mại ở mức gần 2 tỷ USD những theo Bộ Công Thương nhập khẩu chủ yếu tập trung vào máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất.

Bên cạnh đó, các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt góp phần thu ngân sách tăng mạnh. Trong khi đó, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện thể hiện ở thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh, doanh nghiệp thành lập tiếp tục tăng. Đặc biệt, chỉ số sản xuất Nikkei (chỉ số quản trị mua hàng của Việt Nam) đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn hơn 6 tỷ USD, chiếm đến gần 85% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý một. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 344 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 297 triệu USD, chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Để đạt được kết quả này, tại các cấp, các ngành đã khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với đó là tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Kiên định ổn định kinh tế vĩ mô

Nghiêm túc đánh giá các mặt chủ quan, khách quan, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Ba các thành viên Chính phủ cùng nhận định nhiệm vụ thời gian tới sẽ còn khó khăn, đó là áp lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong những tháng còn lại; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chỉ đạt hơn 12% dự toán, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 16%; cổ phần hóa doanh nghiệp chưa cải thiện. Tình hình thế giới diễn biến khó lường, nhiều nước có xu hướng bảo hộ mậu dịch.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp đều bị ảnh hưởng, khiến lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam bị giảm. Với việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ tuyên bố tiếp tục tăng lãi suất nhiều lần nữa từ nay đến cuối năm và năm 2018 có thể khiến đồng USD tăng giá, gây sức ép lên lạm phát trong nước, đồng thời tạo sức ép lên tỷ giá và lãi suất đồng Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo chiều sâu còn thiếu, hàm lượng giá trị gia tăng của các mô hình kinh tế còn nhiều hạn chế, khiến cho tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên, nguồn lực lao động nhưng giá trị thu được về lại rất ít.

Nhận định về những tháng tiếp theo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với tăng trưởng GDP quý một đạt thấp, nên muốn đạt chỉ tiêu 6,7% cả năm thì chín tháng còn lại phải tăng 7% và đây là một thách thức không nhỏ trong điều hành vĩ mô.

Tuy nhiên, khá lạc quan, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi với các tín hiệu như: xuất khẩu, thu ngân sách khả quan do giá hàng hóa thế giới, nhất là giá dầu thô phục hồi. Thu hút và giải ngân FDI tiếp tục tăng mặc dù kỳ vọng vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương không còn nhiều. Bên cạnh đó, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và 2017 sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm nay.

Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát khi tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục và các mặt hàng khác như điện, xăng dầu... để từ đó có sự điều chỉnh chính sách vĩ mô kịp thời.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN, hiện đang có chiều hướng tăng lên như ôtô nguyên chiếc dưới chín chỗ, rau quả… Qua đó, có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước, giảm mất cân đối thương mại với thị trường ASEAN, góp phần giảm nhập siêu…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý, giải pháp quan trọng trong điều hành kinh tế là cần có cơ chế kiểm soát đầu tư công; cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút FDI; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tích cực chuyển sang đầu tư công nghệ sạch, công nghệ mới; đào tạo, đổi mới nguồn nhân lực… Đây là một trong những động lực chính để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Trước những khó khăn, thuận lợi đã được chỉ ra, để hoàn thành nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ ngành cần tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, trong thực hiện các bộ ngành phải chú ý xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, sản phẩm; đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo…

Cùng với tăng trưởng, Thủ tướng cũng yêu cầu phải kiểm soát tốt lạm phát. Theo đó, ngành ngân hàng theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ. Thủ tướng còn đề nghị ngành ngân hàng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Về nội dung chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, cho biết tín dụng có mức tăng trưởng ngay từ đầu năm, lạm phát cơ bản có mức bình quân theo tháng ổn định. Điều này cho thấy, việc điều hành chính sách tiền tệ hiện tại là đúng hướng và không làm cho lạm phát tăng lên. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi và điều hành chặt chẽ hoạt động cung tiền cho nền kinh tế bảo đảm đúng mục đích, đủ liều lượng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2016-2020; đã xây dựng dự thảo Luật Tái cơ cấu và Hỗ trợ xử lý nợ xấu; đồng thời, dự kiến trình dự thảo Luật này để Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục