Theo AFP, trong một thông báo hiếm hoi ngày 10/4, nhóm nổi dậy Hồi giáo chính ở miền Nam Thái Lan Barisan Revolusi Nasional (BRN) đã phản đối kế hoạch hòa bình của quân đội nước này.
Động thái này gây trở ngại cho việc khởi động các cuộc đàm phán với các tay súng tham gia vào cuộc xung đột kéo dài hơn một thập niên qua tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong thông báo, đại diện nhóm BRN cho rằng kế hoạch hòa bình của Bangkok cần có sự "tham gia của của các bên thứ ba (ám chỉ cộng đồng quốc tế) với tư cách nhân chứng và quan sát viên, và một nhà trung gian "không thiên vị" sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán, chứ không phải quân đội Thái Lan.
Hồi tháng Hai vừa qua, các nhà đàm phán hòa bình của quân đội và một nhóm nổi dậy Thái Lan đã nhất trí thiết lập một vùng an toàn ở miền Nam nước này. Mặc dù đây là một bước đi nhỏ song hết sức quan trọng trong bối cảnh tiến trình hòa bình bị trì hoãn rất nhiều tại quốc gia này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhóm nổi dậy duy nhất mà Bangkok nhất trí đàm phán là Mara Patani trên thực tế hầu như không kiểm soát được các chiến binh.
Kể từ khi bùng phát năm 2004, các vụ bạo lực liên quan tới các nhóm nổi dậy tại các tỉnh miền Nam Thái Lan đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người, chủ yếu là dân thường. Nhóm nổi dậy BRN được cho là đứng đằng sau nhiều vụ bạo lực, dù không bao giờ nhận trách nhiệm./.