Nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Iran

Iran là thị trường lớn tại Trung Đông, Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực ASEAN, hai nền kinh tế có thế mạnh riêng, có thể bổ sung lẫn nhau để hợp tác cùng phát triển.
Nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Iran ảnh 1Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giao lưu hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Iran ngày 20/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran và Đại sứ quán Iran tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Iran.

Diễn đàn có thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Iran hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, giầy dép, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy sản, nông sản, đồ gia dụng... Thông qua diễn đàn các doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào thị trường mỗi nước.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam và Iran đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận về các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, giáo dục, ngân hàng, hải quan, hàng không...

Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Iran đạt 116,9 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất sang Iran 86,8 triệu USD và nhập khẩu từ Iran 30,1 triệu USD.

Iran là thị trường lớn tại Trung Đông. Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực ASEAN. Hai nền kinh tế có thế mạnh riêng, có thể bổ sung lẫn nhau để hợp tác cùng phát triển. Iran có nhiều tiềm năng về năng lượng, hóa dầu, khai khoáng... còn Việt Nam có nhiều tiềm năng về nông nghiệp thủy sản.

Bên cạnh hợp tác thương mại và đầu tư, du lịch cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác song phương khi Việt Nam có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp thu hút nhiều khách du lịch Iran đến Việt Nam, từ đó sẽ là khởi điểm cho các mối quan hệ trên các lĩnh vực khác, ông Lộc nói.

Theo ông Gholamhossein Shafei, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran, là một quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới Iran có thể cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm như hóa dầu, nhựa đường, hạt Polymer, dầu gốc, vật liệu xây dựng, khoáng sản. Hàng năm Iran vẫn xuất một lượng lớn các mặt hàng nhựa đường và hạt Polymer sang Việt Nam.

Ông Gholamhossein Shafei cho rằng Việt Nam có thể là cầu nối để hàng hóa Iran tới được các nước Asean và ngược lại Iran nằm trong khu vực hơn 400 triệu dân sẽ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận các khu vực Trung Đông, Trung Á và châu Âu.

Chia sẻ về kinh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại Iran, ông Trần Văn Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hợp tác quốc tế An Việt cho rằng, ngoài hợp tác về nông nghiệp, hóa dầu, đóng tàu du lịch và đánh bắt cá là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước.

Iran còn sở hữu nguồn thủy sản dồi dào ở hai khu vực biển Cát Tiên và Vịnh Ba tư với các loại cá giàu dinh dưỡng và có giá trị cao như cá tầm, trứng cá tầm, các loại cá hồi, cá trích cơm, tôm... Vì vậy, lĩnh vực thủy sản của Iran còn rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác, ông Trí nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục