Nhiều nước nỗ lực "tháo ngòi" căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo hủy kế hoạch tham dự hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.
Nhiều nước nỗ lực "tháo ngòi" căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh ảnh 1(Nguồn: Doha News)

Ngày 16/6, kênh truyền hình CNN tiếng Thổ cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani đã tổ chức cuộc họp 3 bên qua điện thoại để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Qatar.

Ba nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Qatar có thể đạt được thông qua đối thoại thay vì các lệnh trừng phạt.

Các nhà lãnh đạo cũng thông báo về các cuộc tiếp xúc họ đã tiến hành nhằm giải quyết mâu thuẫn căng thẳng hiện nay giữa Qatar và các nước láng giềng Arab vùng Vịnh.

Tiếp tục các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất của vùng Vịnh trong nhiều năm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đang ở thăm Saudi Arabia đã có cuộc gặp với Quốc vương nước chủ nhà Salman trong ngày 16/6.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết cuộc gặp trên diễn ra “tích cực” song không nêu rõ nội dung cụ thể.

Saudi Arabia là chặng dừng chân tiếp theo trong chuyến công du hòa giải của ông Cavusoglu. Trước đó, ông đã tới Qatar và Kuwait, một quốc gia Trung Đông cũng đang nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tại Kuwait, ông Cavusoglu nhận định dù Saudi Arabia là một bên trong căng thẳng hiện nay, nhưng Quốc Vương Salman của Saudi Arabia sẽ "là một bên giúp giải quyết" cuộc khủng hoảng này.

["Các quốc gia trừng phạt Qatar cũng sẽ gánh chịu nhiều tổn thất"]

Cũng trong ngày 16/6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo hủy kế hoạch tham dự hội nghị Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Mexico để ở lại thủ đô Washington, tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Tillerson sẽ tiếp tục các nỗ lực giảm căng thẳng ở Trung Đông thông qua các cuộc gặp trực tiếp, cũng như điện đàm với lãnh đạo trong khu vực và vùng Vịnh. Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ đại diện thay Ngoại trưởng Tillerson tham dự hội nghị OAS.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết 4 quốc gia Arab vừa cắt quan hệ ngoại giao với Qatar gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain đang soạn thảo một danh sách “các khiếu nại” mà Qatar cần giải quyết và sẽ sớm chuyển danh sách này tới chính quyền Doha.

Ông Jubeir không hé lộ những yêu cầu trong danh sách trên. Trước đó, Đại sứ quán UAE tại Mỹ cho rằng danh sách này sẽ đề cập đến 3 vấn đề của Qatar gồm "tài trợ các nhóm khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ 4 nước Arab và kích động các cuộc tấn công thông qua các phương tiện truyền thông của mình."

Coi Doha là một đồng minh trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước thành viên, Ngoại trưởng Jubeir khẳng định các nước trên không có ý định gây tổn hại tới người dân Qatar.

Tuy nhiên, ông Jubeir cảnh báo Qatar không thể vừa tài trợ các nhóm khủng bố vừa duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát từ ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước khu vực.

Qatar cực lực bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của chính quyền Doha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục