Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khởi nghiệp theo phong trào

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, một chuyên gia tư vấn chiến lược từng công tác tại FPT, VNPT cho rằng khởi nghiệp của Việt Nam còn mang tính chất phong trào.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang khởi nghiệp theo phong trào ảnh 1Ông Thái Hòa cho rằng, giá trị cốt lõi của khởi nghiệp không hẳn là tiền. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tại buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Phủ sóng thông tin, kết nối thành công" do Báo điện tử VnMedia tổ chức ngày 26/4, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, một chuyên gia tư vấn chiến lược, cho rằng khởi nghiệp của Việt Nam còn mang tính chất phong trào.

Theo vị chuyên gia từng cộng tác với nhiều doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp lớn trong nước như VNPT này, khởi nghiệp là cách bắt đầu một ngành nghề, một tình yêu, đam mê để làm ra một giá trị nào đó cho xã hội chứ không hẳn là kinh doanh. Ví dụ như những người yêu toán, nghiên cứu AND, nghệ thuật…

Ông Thái Hòa nhận định, start-up của một doanh nghiệp gồm cơ hội của thị trường, cơ hội mà ý tưởng khởi nghiệp có đủ sức cạnh tranh hay không? Tiếp theo, để đạt được cơ hội đó cần có tri thức, giải pháp để tìm ra lời giải của thị trường và phải khác biệt. Cuối cùng là vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

“Tại Việt Nam, chúng ta sai về khái niệm, quy chụp nhiều định nghĩa cho khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp và ‘nhảy ngay’ vào tiền. Nhưng thành công của nhà toán học Ngô Bảo Châu khi khởi nghiệp bằng học toán và làm nghề toán không thể đo bằng tiền được,” ông Hòa nói.

Theo đó, ông Hòa cho biết điều quan trọng nhất của khởi nghiệp tại Việt Nam là phải hiểu và làm đúng, nếu không sẽ chỉ là phong trào và không nói lên được điều gì cả. Và đã đến lúc nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cần đồng thuận đưa ra khái niệm rõ về khởi nghiệp. Khởi nghiệp – lập nghiệp, làm chủ, làm thuê nó như thế nào trong định nghĩa khởi nghiệp.

Trong khi đó, ông Lê Công Thành, đại diện nhóm giải Nhất Công nghệ thông tin triển vọng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 (Công ty Cổ phần Công nghệ Chọn lọc Thông tin) cho rừng, cần phân biệt rõ khởi nghiệp và start-up.

Ông Thành cho rằng, khởi nghiệp là bắt đầu xây dựng sự nghiệp cho bản thân, tuy nhiên, cái chúng ta nói đến là các mô hình start-up của các ông ty trên toàn thế giới. Mục tiêu của start-up là đưa công ty lên sàn chứng khoán. Còn, ở Việt Nam người ta thường đánh đồng việc mở công ty với start-up.

Theo ông Thành, các start-up thường phải kêu gọi vốn rất nhiều, nhưng không phải với mục đích xoay vòng vốn mà doanh nghiệp start-up ngoài lợi nhuận còn có thước đo trên sàn chứng khoán.

Ở một góc khác, ông Hoàng Ngọc Trung, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Nhất hệ thống sản phẩm công nghệ thông tin đã ứng dụng của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2007 thì chia sẻ, khi khởi nghiệp thực sự có đam mê, ý tưởng mở ra công ty. Tuy nhiên, tại Việt Nam, để phát triển thì có rất nhiều thách thức so với các quốc gia khác bởi tại nơi đó khởi nghiệp đã thành văn hóa, minh bạch từ việc rót vốn, kiểm soát…

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Thái Hòa cho biết đây là cơ hội. Song, ông khuyến nghị Việt Nam cần nhìn lại và xem mình đang đứng ở đâu và cần có chiến lược cụ thể để nắm bắt cơ hội này./.

Ông Thái Hòa cho biết hiện khái niệm về khởi nghiệp đang có sự nhầm lẫn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục