Nhiều công ty đa quốc gia cạnh tranh thâu tóm 14 sân bay Hy Lạp

Các sân bay Hy Lạp được chia làm hai lô đấu thầu. Hiện tại, Công ty Corporacion America của Argentina, Vinci của Pháp hay Fraport của Đức đều đã đưa ra giá bỏ thầu cho các sân bay này.
Nhiều công ty đa quốc gia cạnh tranh thâu tóm 14 sân bay Hy Lạp ảnh 1Sân bay Santorini, Hy Lạp. (Nguồn: greece.com)

Các công ty đa quốc gia của Argentina, Pháp và Đức đang cạnh tranh trong việc thâu tóm 14 sân bay của Hy Lạp. Quyết định rao bán các sân bay này được xem là giải pháp nhằm tăng thu ngân sách trong bối cảnh Athens đang cạn tiền.

Các sân bay Hy Lạp được chia làm hai lô đấu thầu. Hiện tại, Công ty Corporacion America của Argentina, Vinci của Pháp hay Fraport của Đức đều đã đưa ra giá bỏ thầu cho các sân bay này.

Theo thông tin công bố trên Website của Corporacion America, công ty đang điều hành 33 cảng hàng không tại Argentina, Ecuador, Peru, Armenia và Italy. Năm 2013, Tập đoàn Vinci của Pháp đã dành 3 tỷ euro (tương đương 2,4 tỷ USD) để sở hữu 10 cảng hàng không của Bồ Đào Nha, bao gồm cả sân bay Lisbon.

Trong khi đó, Fraport đã chiến thắng Vinci, trở thành chủ nhân của sân bay chính của Slovenia trong cuộc cạnh tranh tay đôi vào mùa Hè năm nay. Sân bay này là một phần của chiến dịch tư nhân hóa nhằm ổn định nền tài chính quốc gia của Slovenia.

Những sân bay của Hy Lạp tham gia đấu giá lần này bao gồm có sân bay Thessaloniki thuộc thành phố lớn thứ hai Hy Lạp và các cảng hàng không tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Corfu, Rhodes, Mykonos và Santorini.

Kế hoạch tư nhân hóa đã trở thành nguyên nhân thường xuyên dẫn tới căng thẳng giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế là Liên minh châu ÂU (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hai chủ nợ này đã cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra khoản cứu trợ Hy Lạp 240 tỷ euro (tương đương 300 tỷ USD) để tránh cho quốc gia này khỏi rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Trong vòng ba năm qua, Chính phủ Hy Lạp đã liên tục thay đổi Ban quản lý của Quỹ Phát triển Tài sản Hy Lạp (Cơ quan phụ trách kế hoạch tư nhân hoá của đất nước). Quỹ này hiện đã phải giảm mục tiêu doanh thu từ các chương trình tư nhân hóa từ mức 3,5 tỷ euro xuống còn 1,5 tỷ euro trong năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục