Nhiều công ty của Mỹ cân nhắc rút khỏi thị trường Venezuela

Việc đồng nội tệ bolivar của Venezuela mất giá mạnh đã làm giảm lợi nhuận quý 1 của hàng loạt các công ty lớn của Mỹ đang hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ này.
Nhiều công ty của Mỹ cân nhắc rút khỏi thị trường Venezuela ảnh 1Herbalife có thể sẽ thu hẹp hoạt động kinh doanh ở Venezuela. (Nguồn: Reuters)

Việc đồng nội tệ bolivar (hay còn được viết tắt là VEF) của Venezuela mất giá mạnh đã làm giảm lợi nhuận quý 1 của hàng loạt các công ty lớn của Mỹ đang hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ này, buộc một số công ty phải cân nhắc việc rút khỏi thị trường này.

Môi trường hoạt động kinh doanh ở Venezuela trở nên xấu đi vào tháng Hai sau khi Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro khởi động chương trình “thả nổi” đồng nội tệ, theo đó các cá nhân và tổ chức có thể thu đổi ngoại tệ với mức giá theo thị trường tự do.

Ngay khi hệ thống mới này có hiệu lực, đồng bolivar của nước này mất 70% giá trị, khi 1 USD đổi 172 bolivar.

Mặc dù vậy, hệ thống mới SIMADI chỉ chiếm 3-5% các giao dịch ngoại tệ, phần lớn USD của chính phủ vẫn được duy trì tỷ giá chính thức ở mức 1 USD đổi 6,3 bolivar để nhập khẩu lương thực và thuốc men, cùng một số mặt hàng thiết yếu.

Các doanh nghiệp Mỹ như hãng sản xuất thực phẩm dinh dưỡng Herbalife Ltd phàn nàn rằng sự thiếu hụt trong nguồn cung và khó khăn ngày càng tăng trong việc chuyển đổi từ đồng bolivar sang USD đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của họ.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng phải đối mặt với sự bất ổn của nền kinh tế Venezuela trong khi bị tồn đọng trong tài khoản một lượng lớn ngân sách bằng đồng bolivar.

Việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh càng làm thu hẹp dự trữ ngoại tệ của nước này.

Herbalife không đưa ra bình luận nào khác, song trong báo cáo của hãng đã nhắc tới khả năng có thể thu hẹp hoạt động kinh doanh tại Venezuela nếu những khó khăn xung quanh vấn đề chuyển đổi tiền tệ tiếp tục tăng hoặc không cải thiện.

Trong tháng trước, hãng chế tạo ôtô hàng đầu của Mỹ General Motors (GM) tiết lộ rằng hãng sẽ có thể phải ngừng sản xuất xe tại quốc gia Nam Mỹ này vào tháng Bảy.

Trong khi đó, chi nhánh của hãng xe ôtô Ford Motor tại Venezuela đã rút toàn bộ các khoản đầu tư tại đây khi hãng phải trả một khoản phí trước thuế là 800 triệu USD hồi đầu năm nay. Động thái này cho phép Ford tránh những tổn thất dai dẳng nếu tiếp tục hoạt động tại thị trường này.

Công ty sản xuất mỹ phẩm Avon, công ty cung cấp dịch vụ dầu khí Halliburton, tập đoàn sản xuất sản phẩm vệ sinh và hàng tiêu dùng Kimberly-Clark, công ty dịch vụ dầu khí Schlumberger và tập đoàn truyền thông giải trí Time Warner nằm trong số những tập đoàn lớn khác của Mỹ có chi nhánh tại Venezuela báo cáo lỗ trong quý 1/2015 liên quan hệ thống hối đoái phức tạp của quốc gia Nam Mỹ này.

Hiện nay, Nhà nước Venezuela áp dụng đồng thời ba loại tỷ giá, trong đó tỷ giá chính thức là 1 USD đổi 6,3 bolivar, hai loại tỷ giá của chính phủ là SICAD, theo đó 1 USD đổi 12 bolivar và SIMADI (mới áp dụng từ 12/2) là mức giá theo thị trường tự do.

Ngoài ra, do nhà nước quản lý ngoại tệ chặt chẽ, tỷ giá trên thị trường chợ đen là 1 USD tương đương khoảng 190 bolivar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục