Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia số 7, nhiệt điện than dự kiến sẽ chiếm khoảng 50% cơ cấu sản lượng điện của Việt Nam từ năm 2020. Tuy nhiên, việc “làm giàu năng lượng" này cũng đang đặt ra những thách thức lớn trong việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai và ảnh hưởng tới sinh kế, cũng như sức khỏe của con người.
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Điều hành Trung tâm sáng tạo Xanh (GreenID), đại diện cho Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam.
- Trên phương diện là chuyên gia nghiên cứu sáng tạo xanh, bà đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển các nhà máy nhiệt điện than tại các vùng đồng bằng, ven biển?
Bà Ngụy Thị Khanh: Theo quy hoạch điện quốc gia cho giai đoạn 2011 - 2020 có tầm nhìn tới năm 2030, tổng công suất phát điện của Việt Nam sẽ đạt 75.000 MW vào năm 2020 và 146.800 MW năm 2030. Trong đó, khu vực phát triển nhiệt điện mạnh nhất là ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đáp ứng nguồn điện như dự báo, nhiệt điện đốt than đã được các nhà hoạch định chính sách lựa chọn là nguồn cung cấp điện chính yếu. Tuy nhiên, việc sản xuất điện từ nhiệt điện đốt than cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức, nhất là việc tự cung cấp than, dẫn đến nguy cơ nhập khẩu than phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều nhiệt điện đốt than cũng khiến cho Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường - xã hội như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí hay gia tăng tỉ lệ thất nghiệp và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân xung quanh khu vực xây dựng nhà máy.
Trên thế giới, nhiều nước cũng đang không ủng hộ nhiệt điện than vì họ cho rằng đây là loại năng lượng không sạch. Lý do là, việc phát triển nhiệt điện than đồng nghĩa với việc đốt than để tạo ra năng lượng. Trong quá trình đốt than sẽ phát thải các loại khí như lưu huỳnh dioxit (SO2), oxyde nitơ (Nox), cacbonic dioxit (CO2) và các hạt bụi, đặc biệt là bụi mụn có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người.
Kết quả khảo sát các nhà máy nhiệt điện than tại các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Bình Thuận, Long An của chúng tôi trong thời gian qua cũng cho thấy, phần lớn người dân sinh sống xung quanh các nhà máy nhiệt điện đều cho rằng chất lượng nước ở khu vực họ sinh sống đều bị suy giảm và ô nhiễm do ảnh hưởng của nhà máy nhiệt điện than.
Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia số 7 ban hành vào tháng 3/2016, Việt Nam sẽ tập trung tăng công suất phát điện từ nhiệt điện than, khai thác hết tiềm năng thuỷ điện, và phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn từ nay tới 2030. Với nhu cầu về năng lượng điện than hiện nay, thực sự đây là bài toán cần có phương án giải đáp để tránh những sự cố “Formosa nhiệt điện” sẽ xảy ra trong tương lai.
- Đã có một số dự án xác định hướng cho vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long là trở thành một trong những trung tâm năng lượng nhiệt điện của quốc gia. Theo bà, việc này có ảnh hưởng đến “vựa lúa của cả nước”?
Bà Ngụy Thị Khanh: Đồng bằng sông Cửu Long, xưa nay vẫn được coi là vùng đồng bằng trù phú. Chúng tôi có nghiên cứu về sự phát triển của đồng bằng này và thấy nơi đây đang đứng trước những thách thức rất lớn từ việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn, những dự án chuyển nước lớn của các nước thượng lưu cũng như tác động ngược từ biển lên-đấy là tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Quy hoạch các nhà máy điện tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến năm 2030, khu vực này có đến 14 nhà máy nhiệt điện than với công suất 18.268 MW. Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 4, Bạc Liêu 1, Hậu Giang 2, Long An 2, Sóc Trăng 3 và Tiền Giang 2 nhà máy. Đây cũng là một mối lo lắng của người dân và lãnh đạo địa phương về môi trường sống cũng như điều kiện phát triển của vựa lúa này.
Ngoài ra, theo tính toán, để sản xuất ra 1 MWH điện cần dùng khoảng 4.163 lít nước (trong đó 95% lượng nước dùng để làm mát, nước thải 30-40 độ C). Chẳng hạn như lượng nước tiêu thụ riêng cho nhà máy điện Long An 1, trong 1 ngày đã gấp 3 lần hệ thống cấp nước sạch của cả thành phố Hà Nội.
Với khả năng "ngốn nước" như nhà máy nhiệt điện Long An 1, nếu không có phương án phát triển bền vững, khi các nhà máy nhiệt điện trong vùng cùng đi vào hoạt động sẽ gây ra những hệ quả rất xuất đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, cũng như làm suy giảm diện tích và năng suất của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
- Một trong những vấn đề đang quan tâm hiện nay là ô nhiễm không khí, với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về nhiệt điện, bà nhận thấy, các nhà máy nhiệt điện đã và đang tác động như thế nào bầu không khí?
Bà Ngụy Thị Khanh: Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, chúng tôi thấy, các nhà máy nhiệt điện gây rủi ro về ô nhiễm không khí và tác động xấu tới sức khỏe của cộng đồng. Theo nghiên cứu năm 2015 của đại học Harvard, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch điện 7 sẽ gây vấn đề trầm trọng ở đồng bằng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, phát thải từ nhiệt điện chiếm 89% tổng phát thải từ năng lượng. Trong đó, nhiều loại khí do nhiệt điện than thải ra, như khí ozon khi phản ứng với các phân tử khác trong không khí dưới điều kiện ánh sáng mặt trời tạo thành những lớp sương mù độc hại. Việc hít phải loại sương này sẽ dần gây ra các triệu chứng tức ngực, ho và khó thở.
Ngoài ra, có những sản phẩm do đốt than như muội than chứa các hạt bụi nhỏ li ti với thành phần là các kim loại, chất hóa học. Với kích thước siêu nhỏ, những hạt bụi này có thể thâm nhập sâu vào phổi của con người, thậm chí đi vào các mạch máu, gây đau tim, rối loạn nhịp tim, tổn thương phổi...
- Vậy để giải bài toán phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện đi kèm với hàng loạt tác động xấu đến môi trường, theo bà, cơ quan chức năng cần phải có cơ chế quản lý, quy hoạch và phát triển năng lượng nhiệt điện than như thế nào?
Bà Ngụy Thị Khanh: Chúng tôi hiểu phát triển điện và năng lượng là nhu cầu rất bức thiết để tạo ra sự phát triển kinh tế cũng như đảm bảo đời sống dân sinh xã hội. Tuy nhiên, để phát triển hài hòa đảm bảo phát triển đồng bộ giữa các nghành cũng như cuộc sống của người dân, giải pháp đặt ra là cần quy hoạch phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Để làm được yêu cầu trên, chúng ta cần loại bỏ những nhà máy điện than có tác động lớn tới môi trường, hiệu quả thấp; xem xét tăng công suất phát điện của các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để giảm các nhà máy nhiệt điện trong tương lai. Bởi vì, theo quy hoạch hiện nay, tới đây, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than từ nước ngoài. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng an ninh năng lượng...
Với các nhà máy nhiệt điện đã đi vào vận hành, hoạt động, chúng ta cần tăng cường công tác giám sát đối với công tác xử lý chất thải ra môi trường của các nhà máy nhiệt điện, để đảm bảo các nhà máy năng lượng tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường trước khi xả thải, tránh những sự cố môi trường đáng tiếc, như bài học nhãn tiền Formosa./.
Trân trọng cảm ơn bà!