Ngày 26/3, Tổ chức phát triển tinh thần, văn hóa và công nghiệp quốc tế (OISCA) đã tổ chức sự kiện Tết trồng cây tại tại vịnh Tokyo với hơn 500 người tham dự. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Uminomori (Rừng trên biển).
Phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến trồng rừng quốc gia, ông Takeshi Sasaki cho biết nhằm tạo ra môi trường xanh trên đảo Odaiba, dự án trồng rừng Uchinomori được thúc đẩy để hình thành môi trường sống tự nhiên cho các loại sinh vật, đồng thời tạo ra bức tường tự nhiên, bảo vệ khu vực này trước các luồng gió biển và ngăn chặn tình trạng biển xâm thực.
Chính vì vậy, các loại thực vật được chọn để thực hiện dự án Uchinomori chủ yếu là các loài cây có khả năng phủ xanh quanh năm hoặc có độ dẻo dai như thông Nhật Bản, trà, dâu, anh đào, tầm ma...
Theo những người tổ chức dự án, các loại cây trên được lựa chọn kỹ không chỉ phù hợp với địa hình và thời tiết ở khu vực mà còn tạo ra được vùng rừng hỗn hợp, thu hút được các loại chim, côn trùng về đây sinh sống.
Trong thông điệp gửi đến sự kiện Tết trồng cây 2016 Uchinomori, Giám đốc Ủy ban trồng rừng của Liên hợp quốc, ông Manoel Sobral nhấn mạnh 3/4 lượng tiêu thụ nước trên toàn cầu được khai thác từ các nguồn nước của rừng.
Nhật Bản, quốc gia đi đầu trong các nỗ lực xúc tiến các dự án trồng rừng đa năng, đã xác định vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ đất và nguồn nước, giảm thiểu rủi ro thảm hộ. Chính vì vậy, Nhật Bản đã nỗ lực đầu tư cho hoạt động trồng rừng, với độ bao phủ đạt tới 70% cả nước.
Thành công của Nhật Bản trong dự án trồng rừng được đánh giá là kinh nghiệm quý báu cho nhiều nước trên thế giới học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh, thế giới đang đối mặt với bài toán biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả tiêu cực đến môi trường sống của con người.
Theo số liệu chính thức, 12,3 triệu tấn các loại rác thải vô cơ và hữu cơ đã được bồi lấp xen kẽ với các lớp đất để tạo nên Uminomori, vùng đất rộng khoảng 88,8 hécta trên đảo nhân tạo Odaiba, vịnh Tokyo.
Lớp đất trên cùng của Uminomori là hỗn hợp đặc biệt dày 1,5m được tạo nên từ phân trộn, chất dưỡng đất, đất chất lượng cao và đất từ các công trường xây dựng.
Những người tham gia dự án cho biết để tiết kiệm chi phí của hoạt động trồng rừng, họ đã tận dụng các loại nguyên liệu có thể tái chế như tạo phân trộn cho lớp đất bề mặt từ cành cây, lá cây được cắt tỉa từ các công viên và hàng cây ven đường.
OISCA là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận của Nhật Bản được thành lập năm 1961 với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững thông qua biện pháp tiếp cận toàn diện.
OISCA xúc tiến những chương trình gồm thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp phù hợp, tăng cường sự kết nối, thân thiện giữa con người với con người, giữa các cộng đồng và bảo vệ hệ sinh thái của Trái Đất./.