Nhật Bản cấm, amiăng trắng có nên tiếp tục sử dụng tại Việt Nam?

Hiện có 57 quốc gia (chiếm 15%) cấm sử dụng các loại sợi amiăng, trong khi đó có tới 147 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 85%) cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng.
Nhật Bản cấm, amiăng trắng có nên tiếp tục sử dụng tại Việt Nam? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Là nguyên liệu đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 sản phẩm và được ứng dụng nhiều trong các ngành ​công nghiệp sản xuất amiăng-ximăng nhưng từ lâu nay, việc sử dụng amiăng đang là vấn đề gây tranh cãi bởi lo ngại liên quan đến khả năng gây ung thư cho con người khi tiếp xúc.

Tại Hội nghị "Sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới" do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội sáng nay (28/7), vấn đề này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý và chuyên gia trong ngành.


Nhiều nước G7 vẫn cho phép

Theo báo cáo tại hội nghị, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,2% lượng amiăng trắng của toàn cầu (năm 2012) và nằm trong nhóm 10 nước tiêu thụ sản phẩm này nhiều nhất thế giới. Hiện cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng công suất khoảng trên 100 triệu tấn/năm với tổng số lao động từ 5.000-6.000 người.

Nói về đặc tính của sản phẩm này, ông Lê Văn Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh cho biết, tấm lợp amiăng-ximăng có chất lượng tốt, giá rẻ, độ bền ổn định cao và chịu được khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt, phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

​Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, đứng ở góc độ quản lý, ông Nghĩa ​đưa ra kết quả tổng hợp của Bệnh viện Xây dựng, theo đó khẳng định, trong 20 năm qua chưa phát hiện được một căn bệnh nghề nghiệp nào liên quan đến bụi phối do tiếp xúc với amiăng gây ra.

"Là người lao động trực tiếp và tiếp xúc hàng ngày với các sản phẩm từ amiăng, nếu bị ung thư thì bản thân những người như tôi sẽ phải hứng chịu đầu tiên," ông Nghĩa nói.

​Làm rõ thêm vấn đề này, ông Võ Quang Diệm, Chủ tịch Hiệp hội tấm lợp Việt Nam tỏ ra không đồng tình với Kế hoạch hành động quốc gia do Bộ Y tế dự thảo liên quan đến tác động của amiăng trắng với sức khỏe và môi trường. Theo ông, dự thảo này còn phiến diện, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

​Ông Diệm cho rằng, bản dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia đã đánh đồng khái niệm với mức độ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người giữa các loại sợi amiăng.

Theo đó, nhóm sợi amiăng nâu và xanh đã bị Việt Nam và thế giới cấm sử dụng hoàn toàn dưới mọi hình thức. Riêng sợi amiăng trắng cho đến nay vẫn được sử dụng một cách có an toàn và được kiểm soát chặt chẽ tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Bzasil, Trung Quốc, Thái Lan...

"Việc viễn dẫn số liệu tử vong từ các nước có lịch sử sử dụng amiăng nâu và xanh trong quá khứ để suy đoán số ca bệnh sẽ có tại Việt Nam là không phù hợp. Hơn nữa, việc không chứng minh được số lượng bệnh nhân liên quan đến amiăng trắng từ năm 1963 đến nay, không chứng minh được nguy cơ, không quy kết được thủ phạm mà ngồi tưởng tượng ra nguy cơ do amiăng trắng để tiêu tiền ngân sách, tiền thuế của dân là việc làm vô trách nhiệm," vị đại diện Hiệp hội tấm lợp bức xúc nêu ý kiến.

- Biểu đồ sử dụng amiăng trắng trên thế giới:

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đưa ra những con số đáng lo ngại về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Theo ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, qua khảo sát thực tế tại một số nhà máy, hầu như hoạt động sản xuất đang tê liệt, có nơi đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

Cho rằng "tình hình rất e ngại," ông Lê Hồng Tịnh cũng đưa ra khuyến nghị và cho rằng, khi các vấn đề liên quan đến khả năng gây ung thư của amiăng còn chưa rõ ràng, thông tin chưa chính xác, dẫn đến ảnh hưởng cho người lao động và việc thất nghiệp đã kéo theo nhiều vấn đề đặt ra cho gia đình của họ.

Theo đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện có 57 quốc gia (chiếm 15%) cấm sử dụng các loại sợi amiăng, trong khi đó có tới 147 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 85%) cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng, bao gồm các nước phát triển thuộc nhóm G7 như Mỹ, Canada và các nước thuộc nhóm G20 như Nga, Mexico, Brazil...

Từ tổng hợp này, ông Tịnh cho hay, việc cấm amiăng trắng ở một số nước là do điều kiện phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân cao nên nhu cầu sử dụng tấm lợp giá thấp không lớn. Ngoài ra, một số quốc gia đã sử dụng amiăng xanh, nâu trong quá khứ gây nên gánh nặng bệnh tật lớn như Nhật, Úc, hoặc các nước sản xuất các loại sợi nhân tạo nhằm thay thế amiăng...

Dẫn chứng từ vụ nước mắm chứa thạch tín mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học trong việc công bố và làm rõ thông tin về sản phẩm amiăng trắng có nguy hại hay không?

Nhật Bản cấm, amiăng trắng có nên tiếp tục sử dụng tại Việt Nam? ảnh 2Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Không thể đợi chết mới vào cuộc

Ngược với những ý kiến trên, khi nói về amiăng, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội khóa 13 thì tỏ ra lo ngại khi có những cảnh báo của các ​tổ chức y tế của thế giới và cả Bộ Y tế Việt Nam ​liên quan đến amiăng trắng.

Vị tiến sỹ từng công tác trong ngành hóa học cho rằng, các nước như Nga và Brazil đều là nước xuất khẩu amiăng, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu thì cần phải tính toán kỹ lưỡng.

​Đặc biệt, ​theo bà An, các nước trên đều ghi cảnh báo độc hại trên các sản phẩm amiăng, nhưng về Việt Nam những cảnh báo này lại không có.

Từ thực tế đó, ​bà An đề nghị khi khảo sát cần nghiên cứu đa chiều và tìm hiểu thực tế tại các nước như Australia, Nhật Bản để thấy những hậu quả và sự trả giá trong việc sử dụng amiăng.

"Đừng để vài chục năm nữa khi người bị ung thư và đến lúc chết có mang bao nhiêu thứ đến cũng vô nghĩa, do vậy cần nhìn xa trông rộng," bà An chia sẻ.

["Đã có 65 quốc gia có lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần amiăng"]

Nhấn mạnh thêm ý kiến trên, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu quốc hội khóa 14, Trưởng ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cũng khẳng định, dù amiăng là sản phẩm thông dụng, nhưng theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới việc sử dụng amiăng có liên quan đến căn bệnh ung thư phổi và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, do vậy cần cấm sản xuất và ngừng sử dụng sản phẩm này.

"Có thể phải trả thêm tiền cho việc thay thế vật liệu khác nhưng nhiều năm sau họ không phải lo đến việc phải chi trả các khoản y tế rất lớn để bảo đảm cho sức khỏe," ông Hiểu nói.


Cấm hay không, cần có luận chứng rõ ràng

Theo đề xuất, việc cấm sử dụng amiăng trắng có thể thực hiện từ năm 2020. ​Dù đồng tình với những quan điểm đưa ra, nhưng ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng băn khoăn về những số liệu đưa ra của các tổ chức nước ngoài.

Dẫn lại báo cáo về y tế, ông cho rằng, bản thân người sản xuất trực tiếp Amiang trắng suốt 30 năm nhưng khi kiểm tra, giám định sức khỏe, họ không hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.

Do vậy, ông Lợi đề nghị cần cân nhắc và tính toán vấn đề một cách khoa học, có kiểm chứng rõ ràng, cũng như tính toán được lộ trình để nếu có chấm dứt hoặc cấm amiăng trắng phải đảm bảo cả vấn đề kinh tế lẫn vấn đề xã hội.

"Quan điểm của tôi là phải tiếp thu thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới nhưng bước đi phải có lộ trình và phải có bài toán kinh tế gắn với vấn đề xã hội, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động," ông Lợi cho hay.

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, việc cấm sử dụng amiăng trắng có thể giúp bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, quy định cấm cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các bên liên quan khác trong xã hội.

​Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc cấm sử dụng amiăng trắng cần thiết phải có sự xem xét thận trọng lợi ích của các bên liên quan và có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa tại Việt Nam về ảnh hưởng của amiăng trắng để có được cách tiếp cận xử lý chính xác, đáp ứng được tinh thần của Hiến pháp, Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư về ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

"Việc xây dựng lộ trình cấm cũng nên thực hiện đối với từng loại sản phẩm riêng biệt để giúp doanh nghiệp có thời gian thích hợp để có thể thực hiện chuyển đổi với chi phí thấp nhất," báo cáo nêu rõ./.

Bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội khóa 13 nói về sử dụng sản phẩm amiăng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục