“Trò chuyện nhanh thôi nhé!” Chưa để tôi mở lời, Nguyễn Phi Phi Anh, tổng đạo diễn của dự án nhạc kịch “made in Vietnam” đầu tiên, đầy táo bạo “Góc phố danh vọng-Đêm hè sau cuối” đã vội lên tiếng trước. Lý do cũng thật đơn giản: “Mình bận lắm! Chưa đầy một tháng nữa sẽ công diễn nhưng đến giờ này kịch bản của ‘Đêm hè sau cuối’ vẫn chưa thể hoàn thiện.” Không ì ạch “lê” từng bước nhưng Phi Anh bảo: “Trên con đường nghệ thuật, mình cứ đi chậm rãi thôi, từng bước một… nhưng hãy thật chắc chắn.” “Một còn hơn mười!”- Sau một năm trở lại, Phi Anh thấy khán giả đón nhận thể loại nhạc kịch (ca nhạc-kể chuyện) này thế nào? Nguyễn Phi Phi Anh: Lần công diễn “Góc phố danh vọng” năm nay, số lượng người xem tăng gần gấp đôi nhưng họ đón nhận cũng không được nồng nhiệt như năm ngoái! - Phải chăng vì cái gì rồi cũng trở nên… nhàm? Thế nhưng, “Góc phố danh vọng” mới đến “mùa” thứ hai thôi mà! Trong khi đó, suốt cả năm qua, sân khấu Hà Nội không có chương trình nào cùng thể loại này. Nguyễn Phi Phi Anh: Nói là “nhàm” thì cũng không phải! Tôi tin là như thế. Khán giả vẫn rất hào hứng. Họ chỉ không còn tỏ ra lạ lẫm với thể loại nhạc kịch broadway này như một năm trước nữa. Đó là điều dễ hiểu! Phiên bản 2013 được diễn ở một sân khấu rộng hơn nên không gian loãng hơn, không được sôi động như năm ngoái. So với bản diễn năm ngoái, “Góc phố danh vọng remake 2013” không phải là một vở diễn mới hoàn toàn mặc dù chúng tôi đã có những sửa đổi về nội dung. Bởi vậy, nó không còn bất ngờ, "ngộp thở" như năm trước nữa. - Thế nhưng lượng khán giả vẫn tăng đáng kể như vậy. Theo Phi Anh, "hấp lực" đến từ đâu?Nguyễn Phi Phi Anh: Tôi nghĩ điều này một phần cũng là bởi thành công từ năm ngoái. Nhiều người đã xem rồi, cảm thấy ấn tượng và họ muốn được xem lại. Cùng với đó, những người chưa xem, nghe nói đến sự thành công đó và họ đến xem vì tò mò. - Đó là tín hiệu đáng mừng chứ, số lượng khán giả tăng thì doanh thu sẽ tăng!Nguyễn Phi Phi Anh: Tất nhiên là mình cũng cần khán giả vì nếu không có họ thì không bán được vé, cũng không có tiền chi trả các khoản đầu tư chi trả cho chương trình. Thế nhưng, tôi thà có một người xem mà người ta thực sự thấy thích còn hơn là có 10 người xem nhưng chẳng ai thích và không đọng lại gì với họ sau khi chương trình kết thúc. - Nếu đã là xem lại thì chắc chắn khán giả sẽ có sự so sánh?Nguyễn Phi Phi Anh: Đúng vậy! Nhiều người nói, năm nay, diễn viên diễn hay hơn nhưng kịch bản lại hơi dài dòng; sân khấu lớn hơn nhưng chất lượng âm thanh, ánh sáng lại kém hơn… Tôi nhận thấy khán giả Hà Nội tương đối… khó tính! Trong lúc xem, những đoạn nào họ thấy thích thì mới vỗ tay tán thưởng. Thế nhưng, đa phần khán giả Thủ đô đều rất kiên nhẫn và ứng xử rất lịch sự. Trước những diễn biến không hấp dẫn hay các sự cố về âm thanh, ánh sáng, họ vẫn chờ đợi kiên nhẫn để theo dõi câu chuyện; chứ không phản ứng bằng cách bỏ về hay la ó. Điều đó khiến cho chúng tôi cảm thấy rất mừng.
Nhạc kịch "made in Vietnam" (Ảnh: BTC Dự án kép 2013)
Thích những điều chẳng giống ai! - Bởi thế mà Phi Anh và êkip muốn tiếp tục “đo” độ kiên trì của khán giả với “Đêm hè sau cuối”?Nguyễn Phi Phi Anh: Cũng không hẳn! Với “Đêm hè sau cuối,” chúng tôi cũng đang tự thử thách chính mình. Quả thực, khi triển khai, tôi cũng cảm thấy cảm thấy… nặng! Đến giờ phút này, tôi vẫn luôn trăn trở với kịch bản. Từ năm ngoái, ngay sau khi kết thúc “Góc phố danh vọng,” tôi đã bắt đầu đầu lên kịch bản cho “Đêm hè sau cuối.” Nhưng viết kịch bản không phải là ngồi lỳ một chỗ để viết triền miên mà là mỗi ngày “nhả” một tý, liên tục phải có sự điều chỉnh. Càng viết thì các vấn đề càng thấy nảy sinh nhiều vấn đề và nếu không nghĩ liên tục về nó thì không thể giải quyết được. Đặc biệt, việc dàn dựng sân khấu với sự kết hợp giữa những bản “hit” đình đám của Madonna, Briney Spears, Rihanna… và những giai điệu bất tử của những vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới cũng khiến tôi rất đau đầu. Tôi đã phải điều chỉnh, bỏ đi năm bài hát ngay cả khi đã viết xong lời! - Tôi nghe nói, “Đêm hè sau cuối” sẽ không còn mang màu sắc cổ tích như “Góc phố danh vọng”?Nguyễn Phi Phi Anh: Một câu chuyện trinh thám thì sẽ không thể mang màu sắc cổ tích với những nhân vật hoàng tử, công chúa như ở “Góc phố danh vọng” được. Nó sẽ mang màu sắc khác với những con người thật ở thế giới thật. Các nhân vật cũng sẽ có những cái tên Việt Nam. Thế nhưng, nội dung chắc chắn sẽ “khó nuốt” hơn. Nó sẽ không còn những nhân vật thỉnh thoảng “chạy ra pha trò” như ở “Góc phố danh vọng.” - Có lý do gì đặc biệt cho việc dựa theo thể loại truyện trinh thám để dàn dựng câu chuyện lần này không? Nguyễn Phi Phi Anh: Tôi quan niệm, khi dàn dựng tác phẩm mới thì phải làm những gì mình chưa làm thì mới thấy hay, thú vị. Hơn nữa, tôi những sự kết hợp không giống ai; thử kết hợp những thứ mà người ta ít “phối trộn” với nhau để xem kết quả thu được sẽ là gì! Nhạc kịch nghe vốn rất ầm ĩ, ồn ào và nhiều màu sắc. Tôi muốn thử nghiệm kết hợp nó với một “chất liệu” khác mang sắc thái “tĩnh” hơn. Truyện trinh thám đáp ứng yêu cầu này bởi nó tạo cho khán giả tâm lý hồi hộp, cuốn theo câu chuyện. - Nếu vậy chắc sẽ là “áp lực” khá lớn với cả êkíp thực hiện?Nguyễn Phi Phi Anh: Đúng là mọi người đều cảm thấy rất khó. Nó đòi hỏi người diễn viên phải có nhiều kỹ năng để truyền tải nội dung và biểu đạt cảm xúc. - Ngồi trên hàng ghế khán giả, tôi thấy diễn viên trong êkíp của bạn khá “đa năng” đấy chứ?Nguyễn Phi Phi Anh: Đúng vậy! Đây là yêu cầu bắt buộc nếu diễn viên muốn thực hiện trọn vẹn vai diễn của mình. Mỗi người đều phải “tổng hợp” nhiều kỹ năng như hát, múa, diễn xuất… Tất nhiên, bạn không thể hát hay như người học hát chuyên nghiệp 10 năm, nhưng với yêu cầu đặt ra thì bạn vẫn phải nỗ lực để hát được một cách cơ bản Thực ra, với bất kỳ ai làm nghệ thuật thì khả năng cảm thụ là điều rất quan trọng. Đã có chút năng khiếu và làm được một môn nghệ thuật thì sẽ có thể cảm được những bộ môn khác, tất nhiên là mức độ khác nhau. Thời gian ở Mỹ, tôi nhận thấy rất rõ, diễn viên là phải đa năng như vậy. Nếu chỉ có một kỹ năng thì khả năng biểu đạt cảm xúc sẽ hạn chế đi nhiều, nghiệp diễn cũng có thể ngắn hơn. Bởi xu thế chung hiện nay là, khán giả luôn muốn được thưởng thức những sản phẩm là sự tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Ở Việt Nam, tôi thấy, diễn viên chưa thực sự “cởi mở.” Họ vẫn thường mang tâm lý, tôi chỉ thích diễn kịch mà không thích múa (hay ngược lại) và như vậy, họ sẽ không chịu “học” những loại hình khác để tăng khả năng biểu đạt trên sân khấu và cũng là tự làm mới chính mình. - Cũng đã đến lúc những tác phẩm nhạc kịch “made in Vietnam” cần được đến với số đông công chúng hơn chứ không chỉ xuất hiện ở sân khấu Hà Nội. Phi Anh nghĩ sao về vấn đề này?Nguyễn Phi Phi Anh: Đây là một việc nên làm bởi trên thế giới, loại hình nghệ thuật này đã được phổ biến khá sâu rộng. Còn ở Việt Nam, tính đến thời điểm này, nhạc kịch broadwway vẫn khá mới mẻ. Thế nhưng, về phía bản thân mình, tôi lại chưa có kế hoạch gì thực sự… dài hơi! Trước mắt, tôi muốn đi những bước đi chậm nhưng chắc đã. Mỗi sản phẩm làm ra phải có sự đầu tư kỹ lưỡng để đến khi tới với khán giả, nó phải ở trạng thái tốt nhất có thể. - Cảm ơn Phi Anh về những chia sẻ!
Phương Mai (Vietnam+)