Ngành nông nghiệp đối mặt với những thử thách khốc liệt nửa cuối năm

Bên cạnh những kết quả đạt được 6 tháng qua, ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn cố hữu như quy mô sản xuất nhỏ, quản lý an toàn thực phẩm thiếu chặt chẽ cùng với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngành nông nghiệp đối mặt với những thử thách khốc liệt nửa cuối năm ảnh 1Người dân mua ủng hộ thịt lợn tại cửa hàng bình ổn giá tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu tác động lớn đến sản xuất và những khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, khu vực này còn đối mặt với những khó khăn ngày càng khốc liệt hơn.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ​6 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

[Nông nghiệp Việt Nam phải làm gì để tăng trưởng và cân bằng thị trường]

Báo cáo kết quả đạt được, ông Vũ Đức Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay, GDP toàn ngành tăng 2,65%, trong đó nông nghiệp tăng 2,01%, lâm nghiệp tăng 4,31%, thủy sản tăng 5,08%; giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 2,81%.

Cụ thể, trồng trọt tăng 1,66%, chăn nuôi tăng 2,88 %; lâm nghiệp tăng 4,45%, thuỷ sản tăng 5,17%.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 gồm xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,8%, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,51 tỷ USD (tăng 14,1%); càphê đạt 1,86 tỷ USD (tăng 9,5%), hạt điều đạt 1,5 tỷ USD (tăng 20,8%), rau quả đạt 1,68 tỷ USD (tăng 44,6%), gạo đạt 1,23 tỷ USD (tăng 4,9%)…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cũng cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn cố hữu như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thiếu chặt chẽ cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Đặc biệt là khó khăn về thị trường tiêu thụ với nhiều mặt hàng như thủy sản, thịt lợn...

“Để đạt con số tăng trưởng 3,05% GDP của toàn ngành trong cả năm, cần phải gỡ được 2 nút thắt. Một là phải tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, thứ hai là khâu mở rộng thị trường,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Tháo gỡ nút thắt thị trường

Vấn đề thị trường vẫn tiếp tục là mối quan tâm “nóng” trong giai đoạn 6 tháng cuối năm của ngành nông nghiệp. Hiện nay, trong nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm, ngành đang phối hợp với Trung ương, địa phương, các tổ chức hiệp hội ngành hàng để giải quyết nút thắt quan trọng này.

Đặc biệt, qua các vụ giải cứu nông sản gần đây như giải cứu thịt lợn, giải cứu chuối... đã bộc lộ nhiều khâu yếu kém và khó khăn của ngành nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, thiếu định hướng thị trường.

Ngành nông nghiệp đối mặt với những thử thách khốc liệt nửa cuối năm ảnh 2Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh phát triển và sản xuất nông nghiệp phải lấy thị trường làm gốc. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi có nhiều dấu hiệu không tốt và bị động ở khâu "đầu ra." Chăn nuôi lợn hiện chưa có dấu hiệu phục hồi, tái đàn chậm... Do đó, ông Vân cũng kiến nghị Bộ cần chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt hơn nữa, nhằm phát huy vai trò chính quyền địa phương.

Đối với vấn đề thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, để phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt tối thiểu 33 tỷ USD, ngoài đẩy mạnh sản xuất, toàn ngành cần phát triển theo hướng mở rộng, khơi thông các thị trường.

[Nhu cầu xuất khẩu tăng, thị trường gạo phía Nam khởi sắc]

“Công tác chế biến sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, Bộ đã và đang tập trung phối hợp cùng Bộ Kế hoạch đầu tư sớm hoàn thiện, chỉnh sửa Nghị định 210, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân liên kết sản xuất với bà con nông dân và đẩy mạnh chế biến,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ chỉ đạo nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường. Đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo và tập trung tháo gỡ các rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp khi xuất khẩu nông sản.

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán để có các thỏa thuận song phương với các nước tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thủy sản như thỏa thuận liên quan đến nhập khẩu tôm chưa nấu chín vào Australia, xuất khẩu trứng gia cầm giống vào Myanmar; thịt lợn, sữa và sản phẩm sữa, cá rô đồng, nghêu, ....vào Trung Quốc, rau quả sang Đài Loan...

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030,” hoàn thiện “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực Việt Nam đến năm 2020” đối với một số sản phẩm: chè, cà phê, xoài, thanh long, cá tra,... gắn với chỉ dẫn địa lý.

Mặt khác, các đơn vị cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm, nông, thủy sản an toàn tại thị trường trong nước.

“Chúng ta phải thực hiện phát triển sản xuất các ngành hàng theo hướng lấy thị trường làm gốc. Đẩy mạnh phát triển các trục sản phẩm, gồm trục sản phẩm quốc gia với 10 mặt hàng trọng điểm có kim ngạch trên 1 tỷ USD, các sản phẩm cấp tỉnh cũng phấn đấu từ vài chục triệu USD lên vài trăm USD và cũng đạt mức tỷ USD và trục sản phẩm địa phương,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định thị trường nông nghiệp 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khốc liệt.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục