Một nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.
Sau khi phân tích kỹ lấy ý kiến các cơ quan liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã nhất trí và sẽ gửi trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, 10 ngân hàng chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình Ngân hàng Nhà nước xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại đã xin cho Hoàng Anh Gia Lai được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó).
Tại Đại hội đồng cổ đông của BIDV, lãnh đạo BIDV cho biết Hoàng Anh Gia Lai là một trong các đơn vị trả lãi sòng phẳng trong 20 năm qua. Các sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai liên quan đến khoản vay là đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam, Camphuchia với diện tích 50.000 ha. Các dự án này liên hệ chặt chẽ tới an ninh quốc phòng. Gần đây, BIDV cho vay nuôi bò sản xuất bò giống, cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá dầu xuống kéo theo giá cao su giảm, Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn về thanh khoản chứ không phải mất khả năng chi trả," lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.
Xét thấy khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty. Bên cạnh đó, giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay để doanh nghiệp này đủ điều kiện vay tiếp và dòng tiền hoạt động để có cơ hội trả nợ cho các ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó, chủ nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai gồm BIDV là 10.500 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng./.