Dự thảo thông tư về "xếp hạng ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến mới đây bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và sẽ thực hiện xếp hạng định kỳ hằng năm.
Tuy nhiên, dự thảo nêu rõ là chỉ thông báo kết quả xếp hạng cho từng ngân hàng mà không công bố trên website của mình do tính chất nhạy cảm.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu không công khai thì xếp hạng để làm gì? Chính vì vậy, ngày 18/9, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lý giải về vấn đề này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Thông tư bao gồm các quy định rõ ràng về phương pháp xếp hạng, các tiêu chí, chỉ tiêu xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thể hiện sự công khai, minh bạch về các tiêu chí, phương pháp xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.
Để phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư, người gửi tiền, mua trái phiếu do các tổ chức tín dụng (các ngân hàng thương mại - ngân hàng thương mại) phát hành, hầu hết các nước có thị trường tài chính phát triển đều công bố các thông tin xếp hạng tín nhiệm quốc tế do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings thực hiện.
Đây là ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm có danh tiếng và chiếm hơn 90% thị phần quốc tế với mục tiêu là cung cấp thông tin tham khảo cho các nhà đầu tư và người gửi tiền về xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại để từ đó các nhà đầu tư và người gửi tiền có thể đưa ra các quyết định đầu tư có lợi nhất cho họ.
[Fitch Ratings nâng Nhà phát hành nợ dài hạn của Agribank lên tích cực]
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, khác với mục tiêu xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, kết quả xếp hạng các ngân hàng thương mại được cơ quan quản lý sử dụng trong công tác cảnh báo sớm, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng tổ chức tín dụng cũng như rủi ro lan truyền toàn hệ thống, để từ đó đưa ra các hành động về chính sách kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo vệ tài sản và quyền lợi của người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, do mục đích khác nhau, nên ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới đều không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các ngân hàng thương mại như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ. Nếu có, chỉ cung cấp các thông tin về kết quả xếp hạng uy tín của các tổ chức quốc tế để cho nhà đầu tư và người gửi tiền tham khảo, trong đó nêu rõ không chịu trách nhiệm về kết quả xếp hạng của các tổ chức này.
Theo các quy định pháp luật hiện hành, căn cứ vào kết quả xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các hành động, biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động và sự lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, như: Sử dụng kết quả xếp hạng để xem xét, đánh giá về mức độ an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng; kịp thời xác định các tổ chức tín dụng có tiềm ẩn và nguy cơ rủi ro, qua đó có các biện pháp ngăn chặn như cảnh báo sớm tới các tổ chức tín dụng, yêu cầu tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện các phương án khắc phục; đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt…
Với mục tiêu nêu trên, theo quy định tại Dự thảo Thông tư quy định về việc xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo CAMELS (hệ thống xếp hạng được nhiều cơ quan quản lý trên thế giới sử dụng).
Cụ thể: Hệ thống các tiêu chí được sử dụng xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: Vốn (C); chất lượng tài sản (A); quản trị điều hành (M); kết quả hoạt động kinh doanh (E); khả năng thanh khoản (L) và mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (S).
Về góc độ Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng Thông tư bao gồm các quy định rõ ràng về phương pháp xếp hạng, các tiêu chí, chỉ tiêu xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thể hiện sự công khai, minh bạch về các tiêu chí, phương pháp xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi đánh giá, xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo kết quả xếp hạng cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kèm theo các hành động, biện pháp quản lý phù hợp nhằm đảm bảo tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kịp thời khắc phục các tồn tại, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ, lan truyền trong hệ thống, trong đó mục tiêu hướng tới cuối cùng là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Về góc độ thị trường, để đảm bảo thông tin về các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được công bố công khai, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công khai báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trên trang thông tin điện tử (website) hoặc nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh của tổ chức tín dụng và đăng trên một số báo có phạm vi phát hành toàn quốc nhằm phục vụ các cá nhân, tổ chức (nhà đầu tư, người gửi tiền…) có nhu cầu tìm hiểu về tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings và các tổ chức trong nước đều có các nghiên cứu, công bố kết quả xếp hạng về các ngân hàng thương mại Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho các nhà đầu tư và người gửi tiền… tham khảo phục vụ cho mục đích đầu tư, kinh doanh./.