Lạm phát của Việt Nam đang ở mức rất thấp, ở mức chưa đầy 1% và khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%. Mức lạm phát này so sánh với lãi suất cho vay ra của hệ thống ngân hàng là mức tương đối cao.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là 1 trong 30 nền kinh tế có khả năng tiếp cận tài chính tốt nhất. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đây là vấn đề “đau đầu” thường trực.
Vấn đề này đã được các chuyên gia thẳng thắng nêu ra tại Hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp,” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 22/9.
Nhằm mục đích tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp trước thềm hội nhập sâu rộng, tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc thẳng thắn cho rằng, ở thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
“Hiện nay rất nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã hết room tín dụng, không có khả năng cho vay tiếp. Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một chính sách nới lỏng room tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn,” ông Lộc nói.
Ngoài ra, ông Lộc cũng đưa ra khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lành mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại nên triển khai việc cho vay dựa trên cơ sở tín chấp của Ngân hàng Nhà nước, song muốn như vậy bản thân ngân hàng cũng phải minh bạch để có thể đồng hành cùng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ông Lộc cũng nhấn mạnh, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp đang sử dụng đến 90% vốn ngân hàng. Đây là vấn đề bất hợp lý về cơ cấu nguồn vốn, vì vậy thời gian tới, ngân hàng cần tính toán lại để đảm bảo sự cân đối giữa vốn tự có của doanh nghiệp và vốn cho vay của ngân hàng.
Tại Hội thảo, Cấn Văn Lực, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, tăng trưởng tín dụng 8 tháng của năm 2015 đạt 10,23%, đây là mức cao.
Song ông Lực thừa nhận, hiện tại nhu cầu vay và sức hấp thụ vốn còn yếu. Một số lý do, tốc độ tăng hàng tồn kho giảm chưa đáng kể, mức tiêu dùng khiêm tốn, sản xuất kinh doanh chưa thực sự mở rộng, nợ xấu tăng nhẹ do áp dụng quy định theo thông lệ và chưa thể xử lý dứt điểm. Thêm vào đó, các cơ chế-chính sách như bảo lãnh cho doanh nghiệp (nhất là nhỏ và vừa) vay vốn chưa được đẩy mạnh, hướng dẫn thực hiện chậm.
Năm 2015 là năm "đặc biệt” đánh dấu mức độ hội nhập sâu, rộng của Việt Nam (Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến hình thành vào cuối năm, đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương-TPP…)
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) những cơ hội ngành nghề doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng và phát triển lợi thế trong hội nhập, như phân phối, bán lẻ, giải trí, logictis, ngành về IT, công nghệ xanh và ngành công nghiệp sáng tạo, biểu tượng..
Ông Thành nhấn mạnh, “hội nhập không chỉ là lợi thế so sánh, hy vọng ngành tài chính sẽ tận dụng được điều này.”
Tham gia Hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc nhấn mạnh,“với việc phối hợp tổ chức Hội thảo ngày hôm này một lần nữa thể hiện cam kết và quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”./.